📞

Giá cà phê hôm nay 9/1, Mối lo thiếu nguồn cung trở lại; Xuất khẩu cà phê Việt sang EU sẽ khởi sắc nhờ lợi thế

Gia An 05:12 | 09/01/2022
Hiện nhu cầu của thị trường EU đối với các loại cà phê chế biến và cà phê chất lượng cao đang trong xu hướng tăng mạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp sớm nắm bắt nhu cầu thị trường và đáp ứng tốt yêu cầu chất lượng sản phẩm tại khu vực tiềm năng này.
Giá cà phê trong nước quay đầu tăng 200 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên cuối tuần (8/1). (Nguồn: Freepik)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 9/1

Giá cà phê đảo chiều tăng khi các thị trường quay trở lại mối lo nguồn cung, với báo cáo xuất khẩu toàn cầu sụt giảm kết hợp với tồn kho được “chứng nhận” tại hai sàn tiếp tục sụt giảm giảm sâu. Trong khi các vấn đề về logistics chưa thể giải quyết trong ngắn hạn và sự điều chỉnh, cân đối vị thế đầu cơ trước suy đoán, Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản USD trong năm 2022 có thể nhiều lần hơn dự kiến.

Ghi nhận của TG&VN vào giờ đóng cửa phiên giao dịch tuần này (ngày 7/1), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 9 USD (0,39%), giao dịch tại 2.316 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 11 USD (0,49%), giao dịch tại 2.266 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp. Cấu trúc giá đảo thu hẹp khoảng cách.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 6,75 Cent (2,91%), giao dịch tại 238,45 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 6,45 Cent (2,78%), giao dịch tại 238,30 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng tốt. Cấu trúc giá đảo thu hẹp khoảng cách.

Giá cà phê trong nước tăng 200 đồng/kg tại các địa phương trọng điểm trong nước trong phiên cuối tuần. Hiện, giá thu mua đang dao động trong khoảng 40.000 - 40.800 đồng/kg.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước quay đầu tăng 200 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên cuối tuần (8/1).

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (TP. HCM)

2.371

Trừ lùi: +55

ĐẮK LẮK

40.800

+ 200

LÂM ĐỒNG

40.000

+ 200

GIA LAI

40.700

+ 200

ĐẮK NÔNG

40.700

+ 200

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD/tấn

FOB một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu".

Trừ lùi là mức giá mà bên mua trừ vào giá của bên bán. Thường là do vấn đề về chất lượng và thương hiệu.

(Nguồn: Giacaphe.com)

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, năm 2021, chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu là robusta. Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê robusta đạt 1,218 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, lượng cà phê robusta xuất khẩu sang nhiều thị trường chính giảm, Italy giảm 11,2%; Mỹ giảm 0,6%, Tây Ban Nha giảm 37,8%; Algeria giảm 12,2%. Ngược lại, lượng cà phê robusta xuất khẩu sang Nga tăng 15,1%. Đồng thời, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng mạnh 61,1%.

Nhìn lại năm 2021, Bộ Công Thương nhận định xuất khẩu cà phê sang EU giảm vì gặp khá nhiều trở ngại. Song, dự báo năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc nhờ lợi thế EVFTA và tình trạng thiếu container, chi phí logicstics không căng thẳng như năm 2021, hàng hóa thông quan thuận lợi.

Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU giảm nhẹ. Lũy kế 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê sang EU đạt gần 510 nghìn tấn, trị giá 939 triệu USD, giảm 12% về lượng, không biến động nhiều về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Hungary và Estonia tăng trưởng tốt, trong khi xuất khẩu sang nhiều nước thành viên EU giảm. Với nhiều khó khăn bủa vây nhưng ngành cà phê vẫn khá thành công khi giữ được tốc độ tăng trưởng sang Đức, thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Đức là cửa ngõ quan trọng, đưa hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Dù kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Hungary, Estonia chưa cao như Đức nhưng hai thị trường được cho là tiềm năng khi có sự tăng trưởng đột phá. Cụ thể, 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê sang Hungary đạt 1,6 nghìn tấn, trị giá 7,2 triệu USD, tăng hơn 6 lần về lượng và giá trị. Tương tự, xuất khẩu cà phê sang Estonia cũng tăng hơn 4 lần về lượng và giá trị, đạt 269 tấn, trị giá 563 nghìn USD.

Ngoài ra, Bộ Công thương đánh giá dung lượng thị trường nhập khẩu cà phê của EU rất lớn. Do đó, Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu trong năm 2022, nhờ lợi thế về thuế và nguồn cung cà phê chất lượng cao gia tăng.

Ở thị trường EU, cả Việt Nam và Brazil đều được hưởng ưu đãi thuế quan nhờ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia lại tập trung vào phân khúc nhất định của ngành cà phê EU. Trong khi, Brazil là tập trung vào dòng cà phê arabica thì Việt Nam lại hướng đến sản xuất và xuất khẩu robusta.