📞

Giá cà phê hôm nay 9/8: Nguồn cung vẫn hạn chế, kỳ vọng giá cà phê sẽ tăng mạnh vào tuần này?

Gia An 05:12 | 09/08/2021
Sau nhiều biến động của thị trường trong tuần qua, tuần này giá cà phê được nhận định, có lý do khiến giá thế giới có xu hướng tăng. Nhưng về dài hạn, thị trường cà phê vẫn khá thất thường. Giá cà phê trong nước biến động theo thị trường thế giới.
Giá cà phê trong nước hôm nay 9/8 đi ngang tại các địa phương trọng điểm. (Nguồn: The-best-wishes)

Cập nhật giá cà phê hôm nay 9/8

Chỉ số USD hồi phục mạnh khi các dữ liệu kinh tế Mỹ, nhất là báo cáo việc làm vượt kỳ vọng. Chứng khoán Mỹ có phiên tăng điểm kỷ lục, thu hút dòng vốn đầu cơ, khiến các sàn hàng hóa phái sinh có tính thanh khoản cao như vàng, dầu thô, cà phê cùng nhau lao dốc. Trong bối cảnh đó, giới đầu cơ robusta tranh thủ bán mạnh để chốt lời.

Giá cà phê arabica cũng trở lại xu hướng tiêu cực khi đồng Real suy yếu đã hỗ trợ người Brazil mạnh tay bán, bất chấp mối lo không chỉ sản lượng vụ mùa năm nay giảm mạnh, mà còn triển vọng vụ mùa năm tới bị những đợt sương giá vừa qua gây thiệt hại chưa thể định lượng được. Bên cạnh đó, thời tiết của Brazil được dự báo sẽ có mưa nhẹ trong 10 ngày tới giúp cây cà phê phục hồi cũng góp phần tác động đến giá hai sàn kỳ hạn.

Phiên đóng cửa tuần trước (6/8), giá cà phê trên các sàn giao dịch phái sinh đồng loạt giảm. Tuy nhiên, cà phê robusta giảm giá khá mạnh. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 9 giảm 21 USD (1,19%), giao dịch tại 1.743 USD/tấn; Trong khi vẫn giữ nguyên hiện tượng giá đảo, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng giảm 28 USD (1,57%), xuống 1.754 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng khá.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York chỉ điều chỉnh giảm nhẹ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 giảm 0,9 Cent (0,51%), giao dịch tại 176 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng giảm 0,85 Cent (0,47%), xuống 179,05 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng rất mạnh.

Thông tin thị trường cà phê

Giá cà phê trong nước hôm nay 9/8 đi ngang tại các địa phương trọng điểm.

Tỉnh/huyện

Giá thu mua

LÂM ĐỒNG

— Bảo Lộc ROBUST

35.600 (VNĐ/Kg)

— Di Linh ROBUSTA

35.500

— Lâm Hà ROBUSTA

35.600

ĐẮK LẮK

— Cư M'gar ROBUSTA

36.700

— Ea H'leo ROBUSTA

36.500

— Buôn Hồ ROBUSTA

36.500

GIA LAI

— Pleiku ROBUSTA

36.400

— Ia Grai ROBUSTA

36.400

— Chư Prông ROBUSTA

36.300

ĐẮK NÔNG

— Đắk R'lấp ROBUSTA

36.300

— Gia Nghĩa ROBUSTA

36.400

KON TUM

— Đắk Hà ROBUSTA

36.300

HỒ CHÍ MINH

— R1

38.100

Tuần qua, giá cà phê giảm mạnh, còn do chịu tác động mạnh do sự lây lan nhanh của biến chủng Delta khiến số lượng ca nhiễm bệnh Covid-19 tại các nước sản xuất cà phê không giảm, thậm chí vẫn tăng cao. Ngoài Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là những nước dẫn đầu về số ca nhiễm và tử vong, tình hình dịch bệnh tại các nhà cung cấp Colombia, Indonesia, Mexico và Việt Nam cũng diễn biến phức tạp. Ngay cả Trung Quốc, nước sản xuất cà phê mới nổi, biến chủng Delta đang làm ngưng trệ nhiều ngành sản xuất và hệ thống logistics.

Bởi vậy, về dài hạn, thị trường cà phê vẫn rất thất thường. Ngoài tin thời tiết Brazil, không chỉ có hay không có sương giá, mà có mưa hay không có mưa có thể làm giá các sàn phái sinh biến động mạnh. Thị trường tài chính bàn sôi nổi chuyện Fed rút dần chương trình mua nợ 120 tỷ USD. Cuối tuần này, các chuyên gia đã bắt đầu hâm nóng tình hình sau khi có tin về số lượng việc làm mới tốt hơn dự kiến và lương lao động tại Mỹ tăng. Đây là cái cớ để giới đầu cơ thông tin làm rộn thị trường tài chính.

Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, giá cà phê thế giới có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Thứ nhất, nguồn cung hạn chế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Giá cước vận chuyển các tuyến châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container chưa khắc phục được mà còn có khả năng tiếp tục kéo dài.

Thứ hai, tình hình thời tiết sương giá tại Brazil làm sản lượng vụ thu hoạch xuống khoảng 1% và sản lượng của niên vụ sau cũng chịu ảnh hưởng, khiến nguồn cung nhiều khả năng vẫn giảm như nhiều dự đoán trước đó.

Về phần nhà cung cấp Việt Nam, cũng là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn hàng đầu thế giới - đang giảm hàng tồn kho. Chính vì thế, các chuyên gia tin rằng diễn biến bán tháo hàng hóa chốt lời như những phiên cuối tuần này khiến thị trường tin tưởng vào tuần sau phục hồi mạnh mẽ hơn.

Đối với ngành cà phê Việt Nam, diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khiến hoạt động sản xuất cũng như thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn tăng nhập khẩu cà phê từ các thị trường khác nhưng lại giảm từ Việt Nam. Tình trạng thiếu container rỗng kéo dài và giá cước phí tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và châu Âu sẽ vẫn gặp khó khăn trong ngắn hạn. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại.