📞

Giá cao su hôm nay 29/7: Nhật Bản giảm giá, nguồn cung thiếu hụt, Thái Lan và Malaysia chịu ảnh hưởng bởi bệnh rụng lá

Việt An 05:12 | 29/07/2021
Giá cao su hôm nay (29/7) ghi nhận sàn Nhật Bản quay đầu giảm giá nhẹ so với phiên giao dịch hôm qua. Hiện tại, Thái Lan và Malaysia có diện tích cây cao su đang chịu ảnh hưởng mạnh từ bệnh rụng lá.
Giá cao su hôm nay: Giảm giá. (Nguồn: Pinterest)

Cập nhật giá cao su thế giới

Tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka giao dịch ở mức 210,0 Yen/kg, giữ nguyên so với giao dịch trước đó.

Kỳ hạn tháng 8/2021 đạt mức 210 Yen/kg, giảm 1,8 Yen so với phiên giao dịch trước đó; kỳ hạn tháng 9/2021 đạt mức 212,4, giảm 1,7 Yen so với phiên giao dịch trước đó.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su giao kỳ hạn tháng tháng 7/2021 ở mức 13.000 Nhân dân tệ/tấn, giữ nguyên so với giao dịch trước đó.

Kỳ hạn tháng 8/2021 ở mức 13.130 Nhân dân tệ/tấn, giảm 60 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó, kỳ hạn tháng 9/2021 ở mức 13.240 Nhân dân tệ/tấn, tăng 70 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó.

Các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, có những báo cáo đã chỉ ra rằng, suốt thời gian dài giá cao su giảm về mức thấp, những nông dân trồng cao su đã giảm việc chăm sóc, dẫn đến cây dễ mắc bệnh hơn.

Khoảng 65% cao su tự nhiên được sản xuất tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay một số nước tại khu vực này như Thái Lan và Malaysia có diện tích cây cao su đang chịu ảnh hưởng mạnh từ bệnh rụng lá.

Bên cạnh đó, các quốc gia như Sri Lanka, Ấn Độ cũng có nhiều diện tích cây cao su bị bệnh rụng lá.

Trước thực trạng này, Hiệp hội cao su Việt Nam đã đưa ra cảnh báo tới các thành viên để có sự chuẩn bị tốt hơn nếu dịch bệnh lan tới Việt Nam, đặc biệt là với các thành viên có vườn cao su ở Campuchia, nơi có vị trí địa lý gần với Thái Lan.

Thực tế, sự phát triển của vùng trồng cao su đã chịu nhiều áp lực khi giá cao su bước vào xu hướng giảm từ năm 2013-2019.

Ở Indonesia, diện tích trồng cây công nghiệp mới chủ yếu tập trung vào cây cọ dầu - loại cây có thời gian thu hoạch ngắn hơn so với cao su. Thái Lan cũng có thời gian khuyến khích nông dân thay thế cây cao su bằng các loại cây khác do tình hình giá thấp kéo dài.

“Có thể nhận thấy thị trường cao su đang thiếu hụt nguồn cung trong nửa đầu năm 2021. Tình trạng thiếu cung sẽ tiếp tục diễn ra đến cuối năm 2021 khi mùa mưa đã bắt đầu”, ACBS nhận định.

Với xu hướng giá dầu tăng, giá cao su có thể tăng trở lại, trong bối cảnh nguồn cung nhiều khả năng khan hiếm.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích của ACBS cho rằng, làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Ấn Độ từ tháng 3/2021 khiến nhu cầu cao su sẽ không tăng quá cao trong năm 2021, vì Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới.

Dù vậy, ACBS kỳ vọng, giá cao su cho năm 2021 có thể cao hơn 44% so với mức bình quân năm 2020. Điều này sẽ tác động tích cực lên các nhà sản xuất cao su và bù đắp sự sụt giảm về sản lượng.

Cập nhật giá cao su trong nước

Theo khảo sát, giá mủ cao su tươi hôm nay tại Bình Phước được các thương lái thu mua giao động từ 300 - 315 đồng/ độ mủ.

Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (Bình Phước) niêm yết ở mức 325 đồng/độ mủ.

Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu cũng ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại.