📞

Giá cao su hôm nay 6/5: Biến động trái chiều, nguồn cung hạn hẹp, doanh nghiệp Trung Quốc tăng mua cao su

Việt An 05:03 | 06/05/2021
Giá cao su hôm nay (6/5) biến động trái chiều trên sàn giao dịch châu Á. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá cao su thiên nhiên bình quân trên thế giới nhìn chung tăng đều mỗi tháng.
Giá cao su hôm nay: Biến động trái chiều. (Nguồn: Newsthen)

Cập nhật giá cao su thế giới

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 5/2021 ghi nhận mức 237,5 Yen/kg.

Kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Osaka giao dịch ở mức 241,6 Yen/kg, tăng 9,8 Yen so với giao dịch trước đó; kỳ hạn tháng 8/2021 đạt mức 245,6 Yen/kg, tăng 7 Yen so với phiên giao dịch trước đó.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 5/2021 ghi nhận mức 13.700 Nhân dân tệ/tấn.

Kỳ hạn tháng 6/2021 ở mức 13.765 Nhân dân tệ/tấn, giảm 70 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó; kỳ hạn tháng 8/2021 ở mức 13.915 Nhân dân tệ/tấn, giảm 95 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó.

Cập nhật giá cao su trong nước

Theo khảo sát, giá cao su hôm nay ở Bình Phước dao động trong khoảng 315 - 325 đồng/độ mủ.

Cụ thể, giá cao su ở Bình Long (Bình Phước) dao động từ 315 - 325 đồng/độ mủ. Giá cao su Phú Riềng (Bình Phước) từ 315 - 325 đồng/độ mủ. Giá cao su Đồng Phú (Bình Phước) dao động từ 315 - 325 đồng/độ mủ.

Tại Bình Dương, giá cao su hôm nay 1/5 cũng trong khoảng 315 - 325 đồng/độ mủ.

Giá cao su thường bị điều chỉnh bởi các yếu tố cung-cầu, giá dầu, tỷ suất hối đoái, các yếu tố địa chính trị và sức khỏe của nền kinh tế thế giới…

Trong năm 2020, tình hình sản xuất cao su thiên nhiên thế giới gặp nhiều khó khăn do đại dịch bệnh Covid-19, tình trạng thiếu container làm chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến năng suất vườn cây tại các nước lớn trồng cao su.

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá cao su thiên nhiên bình quân trên thế giới nhìn chung tăng đều mỗi tháng, chủ yếu do kinh tế Trung Quốc phục hồi khá nhanh, việc tăng tốc phủ sóng tiêm vaccine toàn cầu, tác động của gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ và các nước châu Âu trong bối cảnh nguồn cung cao su thiên nhiên hạn hẹp.

Ngoài ra, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, thường gia tăng thu mua cao su thiên nhiên vào những tháng trước khi bắt đầu mùa nghỉ cạo (thường là sau Tết Nguyên đán kéo dài đến đầu tháng 4 hàng năm) để dự trữ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nhưng không thể thực hiện được do Covid-19.

Việc các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng thu mua dự trữ cao su đã tạo đà tăng cho giá cao su từ những tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, so với lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng cuối năm 2020 ước đạt 351.452 tấn thì quý I/2021 có phần giảm đi nhiều.

Nguyên nhân chủ yếu có thể là từ việc tích trữ lượng lớn cao su của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2020, một phần là do cao su đang bắt đầu vào mùa rụng lá, theo xu hướng trong 5 năm qua theo từng tháng có thể thấy được điều đó.

Trung Quốc được biết đến là công xưởng của thế giới, nên không chỉ riêng Việt Nam mà gần như cả thế giới đều phụ thuộc vào thị trường này.

Trong những năm gần đây, ngành cao su Việt Nam đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến những thị trường "khó tính" hơn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đơn hàng từ các thị trường này trong năm 2020 và đầu năm 2021 rất hạn chế.

Trong khi đó, nhu cầu cao su thiên nhiên lại liên tục tăng cao tại Trung Quốc nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả từ rất sớm.