📞

Giá cao su hôm nay 6/7: Sàn châu Á quay đầu tăng trở lại, giới đầu tư thấy cơ hội từ ngành cao su Campuchia

Việt An 05:12 | 06/07/2021
Giá cao su hôm nay (6/7) ghi nhận giá quay đầu tăng trở lại trên sàn giao dịch châu Á (bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc).
Giá cao su hôm nay: Tăng giá. (Nguồn: Vinanet)

Cập nhật giá cao su thế giới

Tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka giao dịch ở mức 222,5 Yen/kg, giảm 0,5 Yen với giao dịch trước đó.

Kỳ hạn tháng 8/2021 đạt mức 224,1 Yen/kg, tăng 0,6 Yen so với phiên giao dịch trước đó; kỳ hạn tháng 9/2021 đạt mức 223,4, tăng 0,9 Yen so với phiên giao dịch trước đó.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su giao kỳ hạn tháng tháng 7/2021 ở mức 12.935 Nhân dân tệ/tấn, tăng 390 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó.

Kỳ hạn tháng 8/2021 ở mức 13.055 Nhân dân tệ/tấn, tăng 400 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó, kỳ hạn tháng 9/2021 ở mức 13.115 Nhân dân tệ/tấn, tăng 130 Nhân dân tệ so với giao dịch trước đó.

Trong thời gian giữa tháng 6, giá cao su tự nhiên có chiều hướng đi xuống do thị trường lo ngại nhu cầu lốp xe giảm khi sản lượng ô tô Trung Quốc giảm bởi thiếu chip.

Song song đó, đợt bùng phát dịch tại nhiều công ty sản xuất bán dẫn quan trọng ở Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của ngành ô tô, cũng như các ngành công nghệ.

Ngoài ra, đợt bùng phát dịch bệnh tại một trong những cảng biển lớn nhất thế giới ở miền Nam Trung Quốc, gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận chuyển hàng hóa toàn cầu, cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá cao su đi xuống.

Theo Bộ trưởng Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon, nước này đã xuất khẩu 132.174 tấn cao su tự nhiên, đạt giá trị 221,67 triệu USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 7,18% về khối lượng và 38,12% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Veng Sakhon cũng cho biết, giá bán cao su trung bình trong nửa đầu năm 2021 ở mức 1.677 USD/tấn, tăng 374 USD (tương đương 28,72%) so với hồi đầu năm ngoái.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cao su thuộc Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Campuchia Him Aun ngày 4/7 cho rằng, chiến dịch tiêm phòng Covid-19 quy mô lớn và sự hồi phục kinh tế từng bước trên thế giới đã và đang thúc đẩy nhu cầu cao su toàn cầu kể từ cuối năm ngoái.

Nhu cầu có dấu hiệu tích cực đã hỗ trợ giá cao su tại Campuchia vốn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường quốc tế. Trước nhu cầu này, việc trồng cao su tại Campuchia cũng được đẩy mạnh.

Cao su Campuchia hiện xuất khẩu sang Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và một số ít sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà đầu tư cũng nhìn thấy cơ hội từ ngành cao su đang phát triển tại Campuchia. Nhiều dự án nhà máy sản xuất lốp xe đang chờ cấp phép khi thấy nguồn cung cao su nội địa của Campuchia tăng.

Trong khi đó Giám đốc điều hành Công ty sản xuất và xuất khẩu cao su Sopheak Nika, ông Men Sopheak, lại tỏ ra lo ngại rằng nhu cầu lên xuống của thị trường quốc tế tác động quá nhanh đến giá cao su tại Campuchia do ngành cao su trong nước thiếu doanh nghiệp chế biến cao su.

Việc tăng giá sản phẩm này chủ yếu là do các nhà máy tại các nền kinh tế đang nổi, đặc biệt là Trung Quốc, hoạt động trở lại.

Theo thống kê của Bộ trên, diện tích trồng cao su của Campuchia hiện đạt 404.160 ha, trong đó 292.500 ha (72%) là cây cao su trưởng thành có thể khai thác mủ.

Cập nhật giá cao su trong nước

Theo khảo sát, giá cao su hôm nay ở Bình Phước dao động trong khoảng 333 - 378 đồng/độ đồng/độ mủ.

Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (Bình Phước) niêm yết ở mức 350 đồng/độ mủ.

Tại Đắk Lắk, giá mủ chén đầu tháng 6 cũng ghi nhận mức 16.000-18.000 đồng/kg tùy loại, tăng so với mức 13.000-14.000 đồng/kg cùng kỳ năm trước.