📞

Giá dầu - ‘Cú đấm bồi’ vào nền kinh tế thế giới

Minh Anh 10:53 | 21/02/2022
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu thô thế giới tiến sát 100 USD/thùng, cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu được dự báo sẽ lên tới 100 USD/thùng chỉ là thời gian. (Nguồn: Azertag)

Căng thẳng Nga-Ukraine đã “góp công” lớn kéo giá dầu qua ngưỡng quan trọng 90 USD/thùng sau nhiều năm (ngày đỉnh điểm giá dầu thô WTI đã chạm 95 USD và Brent lên tới 96 USD).

Khi nào giá dầu lên 100 USD/thùng?

Giới phân tích cho rằng, việc giá dầu lên tới 100 USD/thùng chỉ là thời gian. Thị trường dầu mỏ thế giới đang chịu sự đưa đẩy từ nhu cầu sản xuất và đi lại trên toàn cầu tăng cao sau khi các nền kinh tế nới dần các hạn chế phòng dịch Covid-19, rủi ro địa chính trị từ căng thẳng Nga - Ukraine và nguồn cung bị thắt chặt. Thi thoảng, thị trường hạ nhiệt khi triển vọng thỏa thuận hạt nhân với Iran có tiến triển. Dù vậy, khả năng giá dầu tăng vẫn rất cao.

Người đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohamed Barkindo mới đây cho biết, các thành viên đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung đến các thị trường toàn cầu. Thông báo chỉ có thể phần nào xoa dịu sự lo lắng khi động lực chính đẩy giá năng lượng tăng đột biến trong những ngày qua là căng thẳng địa chính trị tại Ukraine. Nhưng khi căng thẳng hạ nhiệt, các yếu tố cơ bản điều khiển cung - cầu thị trường lại tái lập.

Sau khi thúc giục thế giới ngừng khai thác để tìm kiếm thêm dầu trong lộ trình đến Net Zero được công bố vào tháng 5/2021, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol lại đang kêu gọi OPEC bơm thêm dầu. Lần đầu tiên IEA lên tiếng vào tháng 10 năm ngoái, khi công bố trong Báo cáo thị trường dầu mỏ rằng, năng lực sản xuất dự phòng của OPEC thấp một cách nguy hiểm và cần phải tăng cường đầu tư vào sản xuất mới.

Theo OPEC, tổng số giàn khoan đang hoạt động trong 2021 đã vượt năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với năm 2019. Các hoạt động đầu tư chuyển hướng sang nhiên liệu xanh, đầu tư vào nhiêu liệu hóa thạch giảm trong những năm gần đây. Do đó, tình trạng dư cung có thể không xảy ra trong ngắn hạn, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu.

Trong khi đó, theo Goldman Sach, nhờ nhu cầu tăng cao, giá dầu dự kiến tăng mạnh trong năm 2022 và 2023 do nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng lên bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng hay sự xuất hiện của biến thể Omicron. Đáng chú ý, theo phân tích của Goldman Sachs, “cơn sốt” đối với các phương thức vận tải bằng điện tác động không nhiều đến nhu cầu dầu toàn cầu. Sáu triệu xe điện chỉ có thể giảm tiêu thụ 100.000 thùng dầu/ngày. Do đó, nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng trong vài năm nữa.

Giá dầu sẽ đạt mức lịch sử trong khoảng thời gian từ năm 2022-2023. Thậm chí, không có sự sụt giảm đáng kể nào được dự đoán trước khi kết thúc thập niên này. Báo cáo của Goldman Sachs trấn an các nước OPEC và đồng minh - những nước đang lo ngại nhu cầu sẽ tiếp tục sụp đổ.

Bởi trước đó, trong báo cáo tháng 12/2021, IEA từng lo ngại sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây ra một đợt bán tháo mạnh đối với dầu. Trước diễn biến của dịch bệnh, IEA cũng hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trung bình 100.000 thùng/ngày trong năm 2022. IEA từng dự báo, xu hướng tăng nguồn cung của các nước sản xuất có thể dẫn đến dư cung 1,7 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2022 và 2 triệu thùng/ngày trong quý thứ hai.

Tuy nhiên, sự bi quan đó đã dần được thay thế bởi những tính toán mới. Goldman Sachs cho rằng, bất chấp sự bất ổn xung quanh biến thể Omicron, nhu cầu về dầu vẫn phục hồi, các hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus có tác động vừa phải hơn đến nền kinh tế, trong đó, có “công lớn” của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Theo đó, dù dịch Covid-19 vẫn sẽ bùng phát ở một số khu vực, nhưng nhu cầu dầu thế giới năm 2022 được dự báo vẫn tăng mạnh, vượt nhu cầu của năm 2019, được dẫn dắt bởi khu vực châu Á, châu Âu và Mỹ.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, giá dầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi việc các chính phủ phần lớn không muốn áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt gây thiệt hại lớn về tăng trưởng kinh tế như khi đại dịch mới xuất hiện vào năm 2020.

Lo ngại lớn nhất là lạm phát

Như vậy, dù vẫn còn những nhận định trái chiều, phần lớn nghiêng về dự báo “giá dầu sẽ tiếp tục đi lên trong năm nay”.

Tất nhiên, kinh tế thế giới hiện được đánh giá không còn quá phụ thuộc vào dầu như vài thập kỷ trước. Nhiều dạng năng lượng mới đã xuất hiện và dần chiếm tỷ lệ cao hơn trong nguồn cung năng lượng của thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong tổng năng lượng toàn cầu hiện vẫn bằng thập kỷ trước, bất chấp giá năng lượng tái tạo đã giảm nhiều và các chính phủ đang hành động quyết liệt nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero, theo Báo cáo của Mạng lưới chính sách năng lượng xanh REN21 (6/2021). Hiện giá nhiên liệu hóa thạch như dầu, than đá và khí đốt cũng vẫn đang đóng góp tới hơn 80% giá năng lượng cho toàn cầu.

Bởi vậy, ngoài các nước xuất khẩu nhiên liệu có thể hưởng lợi từ sự tăng giá này, phần còn lại của thế giới sẽ chịu tác động mạnh. Nga có thể ăn mừng vì ngân sách có thể có thêm hơn 65 tỷ USD; Canada hay khu vực Trung Đông được hưởng lợi vì giá dầu tăng mạnh; các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ kiếm khá, dù người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn để mua xăng.

Phần lớn người tiêu dùng và các nền kinh tế sẽ còn phụ thuộc vào việc giá dầu sẽ tăng nhanh cỡ nào và duy trì trong bao lâu, đặc biệt nếu các nền kinh tế mất đà. Chi phí với các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tăng cao, giá cả từ vận tải, thực phẩm đến sưởi ấm sẽ đắt đỏ hơn. “Cú sốc giá dầu” được dự báo có thể đưa lạm phát trên toàn cầu lên những mức cao mới trong năm nay, đe dọa triển vọng tăng trưởng, trong bối cảnh chuỗi cung ứng vẫn tắc nghẽn và kinh tế nhiều nước có thể giảm tốc vì Covid-19.

Theo nghiên cứu của Bloomberg Economics, giá dầu lên 100 USD cuối tháng này sẽ kéo lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên 0,5% nửa cuối năm nay.

JPMorgan Chase cũng cảnh báo giá dầu lên 150 USD sẽ gần như chặn đứng tăng trưởng toàn cầu và kéo lạm phát lên hơn 7% - cao gấp ba mục tiêu của hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ. Việc thiếu hụt nhiên liệu càng làm trầm trọng thêm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang kéo giá lên cao và trì hoãn việc giao nhận nguyên liệu thô cũng như thành phẩm trên thị trường toàn cầu.

Trong báo cáo đầu tháng này, các nhà kinh tế học tại Ngân hàng HSBC nhận định, khi lạm phát đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ, giá năng lượng tăng sẽ là đòn giáng lên sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Giới quan sát quan ngại, lạm phát và những rối ren trong chuỗi cung ứng đã xâm nhập hầu hết mọi ngóc ngách của nền kinh tế, việc giá dầu đột biến sẽ giống như một “cú đấm bồi”, buộc người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả các nền kinh tế phải đứng trước những quyết định rất khó khăn.