Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến cuối tháng 6, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp đồng xuất khẩu hơn 5 triệu tấn gạo và dự kiến cả năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu tối đa tới 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, lượng gạo xuất khẩu thực tế 6 tháng qua đã đạt 3,8 triệu tấn với kim ngạch 1,8 tỷ USD, tăng trên 57% về lượng và gần 25 % về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Gạo trở thành mặt hàng nông sản duy nhất liên tục tăng trưởng với tốc độ cao trong bối cảnh hầu hết các mặt hàng khác gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.Từ đầu tháng 7 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng mạnh. Đến ngày 15/7, giá gạo 5% tấm là 420 USD/tấn (giá FOB), tăng khoảng 20 USD/tấn so với hồi đầu tháng này.Tình hình xuất khẩu của gạo Việt Nam đã có hơn 6 tháng suôn sẻ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Agroinfo, trong những tháng cuối năm, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân, sau một thời gian xuất khẩu chững lại, một số nước đã có dấu hiệu chuẩn bị tăng xuất khẩu, điển hình là Thái Lan và Ấn Độ. Hai cường quốc lúa gạo này dự kiến sẽ tung ra một lượng gạo tồn kho lớn lên tới tổng cộng gần 6 triệu tấn. Ngoài việc phải cạnh tranh với gạo của các nước khác, gạo Việt Nam còn phải đối mặt với tốc độ tăng cung nhanh hơn tăng cầu của thị trường gạo thế giới. Năm 2009, dự kiến tổng lượng cung gạo thế giới đạt khoảng 29,7 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2008, tổng lượng các nước xuất khẩu tăng tới 2,98% trong khi tổng lượng nhập chỉ tăng 0,11%.Tuy nhiên, gạo Việt Nam vẫn có được lợi thế về xuất khẩu vì giá rẻ. Hiện tại giá gạo của Thái Lan đang bị đẩy lên cao hơn giá gạo của Việt Nam (giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam rẻ hơn giá gạo của Thái Lan khoảng 161 USD/tấn). Vì thế, đây cũng là cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh về giá trong những tháng cuối năm 2009.Ngọc Mỹ