Tính đến nay, tổng cộng sản lượng gạo đã ký hợp đồng từ đầu năm là 4,76 triệu tấn. Trong đó, doanh nghiệp đã giao 3,2 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,3 tỉ USD, tăng 87% về số lượng và 51% giá trị so với cùng kỳ 2008.
Giá gạo tăng trở lại bắt nguồn từ việc hàng loạt quốc gia bắt đầu mua thêm gạo đợt hai trong năm. Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - mở thầu 100.000 tấn gạo để làm cơ sở khung giá chung cho 700.000 tấn sẽ nhập vào tháng 7 tới. Malaysia cũng dự kiến sẽ mua thêm 150.000 tấn bổ sung dự trữ. Nhiều khách hàng châu Phi cũng đang tìm mua gạo Việt Nam do có giá mềm hơn các nước.
Cùng đó, còn một nguyên nhân khác khiến giá gạo Việt Nam tăng. Đó là kế hoạch xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo như đã công bố của Ấn Độ vẫn chưa triển khai do nước này đang gánh chịu thiên tai, hơn nữa chính phủ mới chưa ổn định nên không dám quyết. Bên cạnh đó, mặc dù đã chấp thuận kế hoạch bán ra 3,8 triệu tấn gạo, nhưng đến nay các doanh nghiệp Thái Lan vẫn chưa thể triển khai.
Theo tin từ Tổng Công ty Xi măng, tổng lượng tiêu thụ xi măng cả nước trong tháng 5 và lũy kế 5 tháng đạt lần lượt 4,0 triệu và 18,22 triệu tấn. Tính riêng tháng 5, tổng lượng xi măng tiêu thụ trên cả nước đạt 4,013 triệu tấn, tăng 5% so với tháng 5/2008 nhưng lại giảm 9,1% so với tháng trước. Thời tiết mưa nhiều và bất thường tại các khu vực đã làm nhu cầu tiêu thụ giảm xuống.
Dự báo, dù lĩnh vực xây dựng đang khởi động trở lại nhưng sẽ không có biến động lớn về giá hay khan hiếm hàng trong những tháng cuối năm 2009, đặc biệt là hai sản phẩm thép và xi măng do hiện cung đang lớn hơn cầu. Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, Nga và Ukraina đang cố gắng xuất khẩu các sản phẩm thép tới thị trường châu Á với giá cạnh tranh. Cùng đó, Việt Nam gần Trung Quốc và các nước ASEAN khác, khu vực có giá thép rẻ hơn Việt Nam, nên sẽ gặp cạnh tranh về giá khiến cung luôn ở mức cao. Tương tự đối với mặt hàng xi măng. Việc quý II/2009 sẽ có thêm 6 nhà máy xi măng đi vào hoạt động, nên có thể dư thừa xi măng vào cuối năm khi công suất của toàn ngành đạt 50 triệu tấn năm 2009, trong khi nhu cầu dự báo của cả nước chỉ ở mức 44-45 triệu tấn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 5 tháng đầu năm 2009, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 400.000 tấn, trị giá 1,369 tỷ USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 9,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, Việt Nam chỉ xuất khẩu đến 138 thị trường với 80 loại sản phẩm khác nhau, giảm 21 thị trường so với năm 2008. Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường đều giảm, trừ thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tuần qua, giá xăng tăng lên 1.000 đồng/lít đã gây ra tâm lý lo ngại giá hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh. Đơn cử như với ngành giao thông vận tải, giá xăng, dầu chiếm đến 40% chi phí của dịch vụ. Khi giá xăng tăng 3 lần, tổng cộng 2.500 đồng/lít, nghĩa là đã tăng hơn 20% so với thời điểm trước tháng 4. Giá dầu tăng 1.500 đồng/lít, nghĩa là đã tăng khoảng 15% so với thời điểm trước tháng 4. Do đó, mức tăng giá xăng lần này sẽ khiến chi phí cho dịch vụ vận tải dùng xăng tăng khoảng 10% và chi phí cho dịch vụ vận tải bằng dầu tăng khoảng 7%.
Minh Huyền