Trữ gạo phòng khủng hoảng
Năm 2009 cũng sẽ là năm thứ hai liên tiếp thị trường gạo toàn cầu tiếp tục khan hiếm do các nước sản xuất gạo chủ chốt hạn chế xuất khẩu và dân số tăng. Đặc biệt, thị trường gạo trong vài tháng tới sẽ bất ổn nghiêm trọng do người dân ở các nước đang phát triển tăng lượng gạo tiêu thụ để thay thế cho các loại thực phẩm đắt đỏ khác. Các kho dự trữ gạo ở một số nước chủ chốt, trong đó có Mỹ, cũng bị cạn kiệt.
Trong khi đó, dân số tăng khiến mức tiêu thụ chung trên toàn cầu sẽ tăng thêm 18 triệu tấn, dù mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người ở các nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến giảm. Mức tiêu thụ dự kiến đạt khoảng 426 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2008.
Nhờ tăng thêm 1 triệu ha, sản lượng gạo của vụ mùa năm nay dự tính sẽ đạt mức kỷ lục 432 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều này sẽ chẳng ảnh hưởng đến giá gạo, vì nó sẽ vẫn ở mức cao, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn so với nguồn cung ứng. Dự trữ gạo toàn cầu, theo tính toán của IRRI, sẽ tăng mạnh trong năm nay, dự kiến đạt 82 triệu tấn. Cuộc khủng hoảng tài chính cũng khiến các chính phủ gặp khó khăn khi đầu tư vào ngành nông nghiệp – nhân tố chính giúp tăng sản lượng trong dài hạn.
Tiếp tục biến động
Sau nửa năm thị trường gạo ảm đạm, đầu năm nay đột ngột nhộn nhịp do các quốc gia tăng cường dự trữ bằng cách nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Giá gạo nhờ thế cũng tăng mạnh thêm 15-35 USD/tấn. Các nước tăng cường lượng gạo dự trữ, ngay cả nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan. Ấn Độ cũng hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Việt Nam cũng có một động thái tương tự các quốc gia châu Á khác. Ngày 2/2, Chính phủ quyết định bổ sung kinh phí mua lương thực dự trữ quốc gia năm 2009.
Báo cáo Thị trường gạo thế giới 2009 sau các cuộc đua tăng vụ của Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng đưa ra nhận định và dự đoán chính xác việc giá gạo sẽ tăng trở lại vào những tháng đầu năm 2009: “Mặc dù cung lúa gạo thế giới năm 2009 được dự báo tăng nhưng giá khó có thể giảm tiếp”. FAO cũng đã dự báo, “tuy giá gạo không tăng đột biến như năm 2008 nhưng sẽ vẫn ở mức cao”.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 3,1 triệu tấn gạo, tuy nhiên 6 tháng cuối năm, giá và hợp đồng còn nhiều biến động. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ phức tạp hơn. Năm 2009 là tâm điểm của khủng hoảng kinh tế nên ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu lương thực. Sau vụ thừa lúa gạo 6 tháng cuối năm 2008, hiện một số nước đã giảm diện tích trồng lúa. Một số chương trình sản xuất ethanol từ nông sản cũng đã hoạt động trở lại.
Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Hiện nay, tại Australia, cháy rừng cũng ảnh hưởng đến các loại cây trồng. Ở Trung Quốc, hạn hán đã ảnh hưởng đến sản xuất nông sản. Nếu hạn hán kéo dài gây mất mùa, Trung Quốc phải nhập khẩu gạo, sẽ gây biến động về giá.
Thế nhưng, những thông tin về việc Chính phủ Thái Lan bán gạo tồn kho, Indonesia sẽ xuất khẩu gạo trở lại… khiến các nhà nhập khẩu chưa vội ký hợp đồng.
Việc dự báo cụ thể khó có thể chính xác hoàn toàn, song chúng ta cần đề phòng việc các nước cắt giảm thuế xuất khẩu. Lúc đó, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt tại một số thị trường trọng điểm.
Minh Anh