Giá heo hơi hôm nay 5/8, miền Bắc ghi nhận ghi nhận mức tăng cao nhất 2.000 đồng/kg; miền Trung và miền Nam tăng, giảm trái chiều. (Nguồn: VTV) |
Giá heo hơi hôm nay 5/8
* Giá heo hơi tại khu vực miền Bắc ghi nhận mức tăng cao nhất 2.000 đồng/kg.
Theo đó, TP.Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên và Lào Cai cùng nhích nhẹ 1.000 đồng đưa giá heo hơi lên mức 61.000 đồng/kg.
Hai tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên sau khi tăng 2.000 đồng/kg đưa giá heo hơi lên mức 63.000 đồng/kg.
* Thị trường heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên hôm nay biến động trái chiều.
Tại Nghệ An và Thanh Hoá điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg đưa giá heo hơi lên mức 60.000 đồng/kg - cao nhất khu vực.
Tỉnh Bình Thuận hạ 1.000 đồng/kg đưa giá heo hơi xuống mức 59.000 đồng/kg.
Tại Lâm Đồng ghi nhận mức giá heo hơi thấp nhất vùng là 58.000 đồng/kg - sau khi điều chỉnh giảm 2.000 đồng/kg - mức thấp nhất khu vực.
* Giá heo hơi tại khu vực miền Nam tăng giảm trái chiều từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg.
Các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Vĩnh Long và Kiên Giang duy trì mức giá heo hơi là 58.000 đồng sau khi giảm 1.000 đồng/kg.
Tỉnh Sóc Trăng cũng điều chỉnh giảm 1.000 đồng đưa giá heo hơi về mức thấp nhất khu vực là 57.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai và Vũng Tàu giá heo hơi là 58.000 đồng/kg, cùng giảm 2.000 đồng/kg.
TỈnh Bạc Liêu điều chỉnh giá heo hơi tăng 1.000 đồng lên mức 59.000 đồng/kg.
* Ngành chăn nuôi với sản lượng và chất lượng liên tục tăng trưởng hàng năm tạo nền tảng tốt để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu muốn tiếp tục duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu thì các doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, các sản phẩm phải được chăn nuôi, chế biến sâu trong vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH). Các tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh được ví như "visa" để xuất khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi.
Trao đổi về việc phát triển vùng an toàn dịch bệnh, gia tăng giá trị cho sản phẩm chăn nuôi hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, theo quy định của OIE, khi xuất khẩu các sản phẩm từ động vật và động vật bắt buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. Chúng ta muốn hướng tới xuất khẩu thì buộc phải tuân thủ các quy định này.
Tại Việt Nam, vùng an toàn dịch bệnh không phải bây giờ mới xây dựng mà đã được thực hiện trong nhiều năm qua và đã có kết quả tích cực trong việc giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Đến nay, thịt lợn đã xuất đi các nước như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)...; thịt gà đã xuất đi Nhật Bản.
"Hiện nay, chúng ta đã xây dựng, ban hành các tiêu chí vùng an toàn dịch bệnh đầu tiên tập trung vào vùng Đông Nam Bộ bởi vùng này có quy mô chăn nuôi gia cầm, lợn rất lớn. Chúng ta đã có những vùng an toàn dịch bệnh và giờ đây đang là 'bài toán' để duy trì và mở rộng", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.