TIN LIÊN QUAN | |
Đầu tư từ 100 triệu Rupee sẽ trở thành công dân Ấn Độ | |
Bắc Kạn nỗ lực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư |
Gia Lai nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí quốc tế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Hệ thống giao thông thuận lợi, với Quốc lộ 14 từ Đà Nẵng đến Gia Lai về TP Hồ Chí Minh, Quốc lộ 25 đi Phú Yên, Quốc lộ 19 nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với cảng Quy Nhơn, Cảng hàng không Pleiku với các chuyến bay thẳng đi Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trong nước.
Những năm qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khá toàn diện. Giai đoạn 2011- 2015, đạt 12,81% năm, trong đó, công nghiệp xây dựng tăng bình quân 23%/ năm. Tăng trưởng cao được duy trì trong nhiều năm đã đưa quy mô GDP của tỉnh lên gấp 3 lần sau 5 năm. Năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng.
Lợi thế phát triển ngành công nghiệp nông nghiệp
Với lợi thế đất đai và khí hậu, Gia Lai tập trung thâm canh cây trồng và hoàn thành vùng chuyên canh cây công nghiệp gắn liền công nghiệp chế biến. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 cao hơn năm 2010 15.185 tỷ đồng đã khai thác và phát huy tốt lợi thế các ngành chế biến nông, lâm sản. Tuy vậy, giá trị sản xuất công nghiệp hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều “dư địa” để phát huy ngành công nghiệp.
Toàn tỉnh hiện trồng nhiều loại cây công nghiệp, trong đó có 79.732 ha cây cà phê, 102.640 ha cao su, 17.177 ha điều, 14.505 ha hồ tiêu, 38.570 ha mía, 51.591 ha ngô, 63.747 ha sắn, 4.133 ha thuốc lá... thích hợp để xây dựng nền nông nghiệp sinh học công nghệ cao.
Đại Tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các lãnh đạo ban ngành Trung ương cắt băng khánh thành Dự án nâng cấp Cảng hàng không Pleiku ngày 5/9/2015. |
Điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của tỉnh khá phù hợp cho việc phát triển diện tích đồng cỏ phục vụ chăn nuôi, đặc biệt là đại gia súc. Hiện đàn trâu, bò, heo cũng phát triển mạnh, là môi trường tốt để các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc với quy mô công nghiệp, gắn với xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản, thuộc da... và phát triển các loại vật nuôi khác như đà điểu, cừu, hươu sao.
Trồng rừng tập trung 2.418 ha trong đó rừng sản xuất 1.602 ha và rừng phòng hộ, đặc dụng là 815,9 ha; khoán bảo vệ, quản lý rừng 127.984 ha và tỷ lệ rừng che phủ 46,1%. Trữ lượng khai thác gỗ rừng trồng trong năm 2015 là 120.000 m3. Gia Lai còn có quỹ đất lớn để phục vụ trồng rừng sản xuất và trồng rừng phòng hộ.
Ngoài ra, với sản lượng lớn như: cà phê nhân 201.012 tấn, cao su 93.564 tấn mủ khô, tiêu 43.601 tấn, điều 14.057 tấn, thịt trâu, bò hơi 18.605 tấn, thịt heo hơi 41.667 tấn... sẽ mở ra triển vọng cho ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển.
Công nghiệp điện năng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 42 nhà máy thủy điện, gồm 6 nhà máy thủy điện lớn và 36 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất là trên 1.950 MW. Sáu nhà máy thủy điện lớn hàng năm cung cấp cho hệ thống điện khoảng gần 8,5 tỷ Kwh.
Ngoài ra, còn có nhiều công trình thủy điện nhỏ, nhà máy nhiệt điện nhỏ với tổng công suất lắp máy gần 300 MW đã đi vào hoạt động, đang triển khai xây dựng và một số một số doanh nghiệp có dự án phong điện đã được tỉnh cho chủ trương khảo sát và lập dự án đầu tư với CS: 300-500MW/DA.
Sản xuất vật liệu xây dựng
Tài nguyên khoáng sản của tỉnh rất đa dạng và phong phú có các loại khoáng sản như: quặng bô xít, vàng, các mỏ sắt, đá granit, đá vôi, sét, cát xây dựng thuận lợi cho tỉnh phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu xây dựng.
Hiện có 7 nhà máy đá granit đã đưa vào hoạt động với tổng công suất 1 triệu m2/năm. Hàng chục doanh nghiệp khai thác và chế biến đá xây dựng, khai thác cát,... đủ sản lượng để cung cấp cho nhu cầu xây dựng các công trình trong tỉnh và đáp ứng một phần nhu cầu trong nước.
Khu công nghiệp, Khu kinh tế
Tỉnh Gia Lai có Khu CN Trà Đa được quy hoạch với diện tích 197,83 ha, hiện nay có 38 nhà đầu tư với 42 dự án đã đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 62,9%. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.691 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 925 tỷ đồng - đạt 54,7% so với tổng vốn đăng ký.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn có các Cụm CN ở các địa bàn thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê, Nam Hàm Rồng... là những địa điểm thuận lợi nhiều mặt cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Tỉnh cũng có Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với diện tích 110 ha và mở rộng lên 210 ha vào năm 2020. Hiện tỉnh đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và giao thương buôn bán, với mục tiêu phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch…, thúc đẩy đầu tư giữa các nước trong Khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Phát triển du lịch
Tiềm năng về du lịch tỉnh Gia Lai mang những nét đặc sắc riêng nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức. Nổi bật là tài nguyên du lịch tự nhiên với hệ sinh thái đa dạng, rừng nguyên sinh, hệ thống các thác nước, hồ tự nhiên và nhân tạo. Bên cạnh đó là nguồn tài nguyên nhân văn và những công trình di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng.
Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa ở Gia Lai có các địa danh chủ yếu như: Nhà lao Pleiku, khu di tích Tây Sơn thượng đạo (di tích căn cứ địa của Anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ), làng kháng chiến Stơr (quê hương của Anh hùng Núp), cùng với các địa danh Pleime, Cheo Reo, Biển Hồ hay còn gọi là Hồ Tơnưng (Ia Nueng), hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Chín Tầng, thác Ia Nhí, thác Ya Ma - Yang Trung, thác Lệ Kim, đồi thông Hà Tam, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, núi Hàm Rồng,… Ngoài ra, Gia Lai còn có nhiều ngôi chùa nổi tiếng và mang nét kiến trúc độc đáo như: chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh...
Các lễ hội dân gian đặc sắc của những dân tộc cư trú lâu đời tại Gia Lai (Lễ bỏ mã, lễ mừng chiến thắng, lễ mừng được mùa…) và không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Các tài nguyên du lịch nhân văn như: kiến trúc nhà Rông, nghệ thuật điêu khắc gỗ, âm nhạc, vũ điệu dân gian… là những tài nguyên du lịch quý giá thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu.
Đổi mới chính sách thu hút đầu tư
Từ năm 2010 đến nay, Gia Lai đã thu hút 66 dự án đầu tư có quy mô lớn, với vốn đăng ký thực hiện hơn 22.257 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đầu tư đều phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai.
Có được kết quả trên phải tích cực nhìn nhận hiệu quả, lan tỏa trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐNĐ, UBND tỉnh trên cơ sở đồng thuận và thống nhất cao về nhiệm vụ đẩy mạnh thu hút đầu tư và sự nỗ lực trong thực thi của các sở, ngành, địa phương đối với xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các Nghị quyết, kế hoạch hành động, quyết định để cải thiện, nâng cao môi trường kinh doanh như: Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Tỉnh ủy về cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch hành động số 2744/KH-UBND ngày 15/6/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; Quyết định số 440a/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của UBND tỉnh ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai...
Qua đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ của tỉnh đã triển khai thực hiện đúng và đầy đủ, công khai các quy định và rà soát hoàn thiện mô hình “một cửa”; “một cửa liên thông”; Lãnh đạo Tỉnh, các Sở, ngành tham gia buổi tọa đàm “cà phê doanh nhân” do các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức; đồng thời UBND tỉnh, Sở KH&ĐT tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, cùng với sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, với các cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả… Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp chất lượng cao; ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất, với các dự án chế biến sâu các loại cây công nghiệp và sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đối ngoại góp phần quan trọng thu hút nguồn lực cho phát triển Trong giai đoạn 2011-2016, Hải Phòng đã chuyển hóa hiệu quả công tác đối ngoại vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển ... |
Hà Giang hội nhập để phát triển Những năm qua, Hà Giang chủ động mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế để thu hút đầu tư cho phát triển ... |
Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về ô nhiễm môi trường "Chúng ta đã nói tình trạng bắn chỉ thiên mà không ai chịu trách nhiệm thì lần này các đồng chí phải phát hiện ra, ... |