Các khoản nợ cao hơn nguồn thu nhập, trong khi sự tự động hóa của máy móc đang làm thay đổi căn bản phương thức làm việc và ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của nhiều người. Cũng theo nhận định của OECD, việc gia nhập vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng là giấc mơ xa vời đối với nhiều người. Tình trạng bất bình đẳng và sự bế tắc này đem lại nhiều rủi ro cho sự ổn định kinh tế, chính trị và đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư.
Tầng lớp trung lưu nổi lên nhanh chóng và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng ở Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh. (Nguồn: Vietnamfinance) |
Tuần trước, tỷ phú Ray Dalio - nhà sáng lập Bridgewater Associates đã cảnh báo về các cuộc nổi dậy xuất phát từ sự chênh lệch giàu nghèo, góp phần làm dấy lên xung đột và chủ nghĩa dân túy. Nước Pháp, với vai trò dẫn dắt G7 trong năm 2019, đã đặt ưu tiên cho việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng và chấn hưng chủ nghĩa tư bản lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhóm này.
Theo phân tích của OECD, tầng lớp trung lưu không chỉ cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, mà còn giúp các các quốc gia giàu mạnh, ổn định hơn, có được nền giáo dục tốt hơn, tỷ lệ tội phạm thấp hơn và mức độ hài lòng của người dân cao hơn. Giám đốc việc làm, lao động và các vấn đề xã hội của OECD - ông Stefano Scarpetta - cho rằng, tầng lớp trung lưu là một trong những yếu tố chính của sự ổn định chính trị và kinh tế.
Theo cách xác định của OECD, tầng lớp trung lưu là các hộ gia đình có thu nhập từ 75% đến gấp đôi mức thu nhập trung bình của một quốc gia. Trong 30 năm qua, tốc độ tăng trưởng của mức thu nhập trung bình chậm hơn một phần ba so với mức tăng trung bình của nhóm 10% người giàu nhất. Tình trạng này đã xảy ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính với thu nhập thực tế của tầng lớp trung lưu chỉ tăng 0,3% mỗi năm. Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu nhập tăng trưởng chậm là do yếu tố lạm phát (giá tăng với các chi phí thiết yếu của cuộc sống). Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 40 % số hộ gia đình có thu nhập trung bình dễ bị tổn thương vì không thể thích ứng được với sự tăng giá đó. Việc phấn đấu để gia nhập giới trung lưu cũng trở nên khó khăn hơn và yêu cầu nhiều kĩ năng trong công việc hơn. Khoảng một nửa số lượng lao động trong giới trung lưu hiện nay đang làm công việc có tay nghề cao, trong khi con số đó của 20 năm trước chỉ vào khoảng 1/3.
Không có câu trả lời đơn giản nào để giải quyết những khó khăn này. OECD kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và đào tạo kỹ năng ở mọi lứa tuổi. Thêm vào đó, tổ chức này cũng đưa ra khuyến nghị về việc tăng cường cung cấp các giải pháp cư trú và giảm gánh nặng nộp thuế cho tầng lớp trung lưu. Ông Scarpetta cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận lại vấn đề; các chính sách mục tiêu phải thực sự tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể thay vì đưa ra các chính sách mang tính chung chung và không đem lại hiệu quả.