📞

Giá sữa tại Việt Nam cao nhất thế giới

16:32 | 27/08/2008
Trong khi giá sữa trung bình ở các quốc gia thuộc Đông Âu và Nam Mỹ là 0,4USD; ở Trung Quốc, khu vực Bắc Mỹ và châu Đại Dương là 0,8USD thì tại Việt Nam lên tới 0,82 USD/kg.

Tại hội thảo “Chọn sữa thời bão giá” tổ chức ngày 26-8 ở TP.HCM, Công ty Nghiên cứu thị trường FTA công bố rằng người tiêu dùng VN đang dùng sữa với giá cao nhất thế giới.

Dành 50% thu nhập để mua sữa cho con

Ông Trần Ngọc Dũng, chuyên viên của Công ty Nghiên cứu thị trường FTA, cho biết: Trong khi giá sữa trung bình ở các quốc gia thuộc Đông Âu và Nam Mỹ là 0,4USD; ở Trung Quốc, khu vực Bắc Mỹ và châu Đại Dương là 0,8USD thì giá sữa tại VN lên tới 0,82 USD/kg. Năm 2007, số lượng sữa được tiêu thụ tại Việt Nam chỉ tăng khoảng 6%, song số tiền mà người tiêu dùng chi ra mua sữa tăng đến 20%. Trong đó, giá của các sản phẩm sữa dành cho trẻ em tăng từ 18-30%. Năm 2008, giá sữa tiếp tục tăng mạnh, dự kiến lượng sữa tiêu thụ cả năm khoảng 920 triệu USD và đạt 1 tỉ USD vào năm 2009.

Nghiên cứu của FTA cũng cho thấy năm 2007-2008 giá sữa đặc chỉ tăng 5-6% thì giá sữa bột tăng 23-26%. Dù mức tiêu thụ sữa bình quân của mỗi người VN từ 9-10 kg/năm là chưa cao, nhưng việc trả tiền mua sữa lại quá cao so với thế giới.

Cuộc thăm dò ý kiến của các bà mẹ có con từ 2-4 tuổi đều có câu trả lời chung là sẵn sàng dành 50% thu nhập để mua cho con các loại sữa tốt nhất. Ngay cả các hộ gia đình có thu nhập từ 2,5-4,9 triệu đồng/tháng cũng chi 1-2,2 triệu đồng/tháng để mua sữa cho con.

Ông Dũng phân tích: Một nghịch lý và là đề tài nóng hổi mà các bà mẹ Việt Nam thường trao đổi khi gặp nhau đều liên quan đến giá sữa leo thang, ảnh hưởng đến ngân sách gia đình, nhưng hỏi ra thì ai cũng mua sữa đắt tiền, ngoại nhập. Nếu so sánh giá của các loại sữa sản xuất trong nước dao động từ 70.000-100.000 đồng/hộp 400g, thì sữa ngoại nhập từ 150.000-160.000 đồng/hộp 400g. Đây chính là yếu tố khiến doanh số tiêu thụ sữa tăng cao, trong khi thực tế số lượng tiêu thụ lại không tăng mạnh.

Hành vi tiêu dùng tác động đến giá sữa

Trong khi đó, Viện Chính sách và phát triển chiến lược Việt Nam cũng công bố: Thói quen mua sữa của người Việt Nam cũng giống như mua các sản phẩm khác là ưa chuộng hàng ngoại nhập, tâm lý chọn mua theo đám đông và quan niệm sữa giá cao thì chất lượng cũng cao nên cố gắng mua cho con để bằng bạn bè.

TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn lại cho rằng hoạch định chi tiêu của người Việt Nam ít nhiều có vấn đề. Nếu thử xét năm nhãn sữa nội và sữa ngoại nhập để so sánh sẽ thấy phần lớn các thành phần dinh dưỡng cơ bản của chúng đều giống nhau. Như vậy, dù các bà mẹ sẵn sàng bỏ tiền nhiều nhưng không phải là cách đầu tư hợp lý, chưa kể chính hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã tác động đến giá sữa.

Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, khẳng định: Không có sữa nào là tốt nhất, khi mà các thành phần dinh dưỡng cơ bản của chúng đều được bảo đảm. Một đứa trẻ sẽ dùng khoảng 43 hộp sữa trong giai đoạn mới sinh đến 6 tháng tuổi nên các gia đình cần cân đối chi tiêu hợp lý.

Các bà mẹ cho rằng nên chọn sữa ngoại nhập, đắt tiền vì có chứa thành phần DHA, ARA, Omega 3, Omega 6... giúp trẻ thông minh. Về vấn đề này, bác sĩ Thủy giải thích: “Một số nhãn hiệu sữa trong nước cũng có thành phần này, song dù có hay không thì cũng cần khẳng định: Không phải cứ uống sữa có thành phần trên là trẻ em sẽ thông minh. Sự thông minh còn tùy thuộc vào sự yêu thương, chăm sóc, giáo dục của gia đình và quan trọng nhất vẫn là yếu tố di truyền”.

Dùng sữa ngoại: gánh nhiều chi phí

Về góc độ kinh tế, thạc sĩ Lương Vinh Quốc Duy, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích: Sữa nhập khẩu thường có giá cao hơn nhiều so với sữa sản xuất trong nước do phải chịu mức thuế nhập khẩu, chi phí xây dựng thương hiệu, vận chuyển..., và đương nhiên khách hàng phải gánh những chi phí này. Bên cạnh đó, việc hạn chế chi tiêu những sản phẩm sữa đắt tiền còn tác động tích cực đến nền kinh tế quốc gia, giảm nhập siêu, hạn chế áp lực tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Theo NLĐ