Nhỏ Bình thường Lớn

Gia tăng nguy cơ cho các loài chim di cư

Việc những nơi cư trú dọc tuyến đường bay của các loài chim di cư trên thế giới bị hủy hoại đang đặt ra tình trạng nguy hiểm ngày càng tăng đối với những loài chim bay đường dài.
Những loài chim di cư bay ngang qua nhiều quốc gia khác nhau, những nơi có những nỗ lực bảo tồn khác nhau. (Nguồn: Reuters)

Các nhà khoa học cho biết, phần lớn các loài chim di cư phải bay qua những địa hình rộng lớn mà không được các quốc gia ở đó bảo vệ đúng mức. Họ đã theo dõi các tuyến đường di cư, địa điểm dừng chân, khu vực sinh sản và nơi trú đông của 1.451 loài chim di cư và đánh giá khoảng 450.000 khu vực được bảo vệ như các vườn quốc gia và khu bảo tồn.

Các nhà khoa học nhận thấy, hành trình của 1.324 loài chim (khoảng 91%) phải trải qua những địa phương nơi không được bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ nhu cầu phát triển của con người.

"Điều này rất quan trọng bởi các loài di cư phải vượt qua những quãng đường rất dài và cần những nơi dừng chân an toàn, nơi chúng có thể nghỉ ngơi và kiếm thức ăn trên hành trình rất dài của mình" - nhà khoa học bảo tồn Richard Fuller (Đại học Queensland, Australia) cho biết.

"Thậm chí, nếu một mắt xích trong chuỗi các điểm dừng chân này bị mất, điều đó có thể dẫn tới sự suy giảm lớn hoặc thậm chí tuyệt chủng một loài chim".

Vấn đề này hiện đang trở nên nghiêm trọng tại các khu vực Bắc Phi, Trung Á và dọc bờ biển khu vực Đông Á. Các quốc gia trong khu vực này duy trì tương đối ít các khu vực được bảo vệ, và những khu vực hiện có không đủ cho đường bay của các loài chim di trú.

Đối với các loài chim nhỏ, cơ hội kiếm thức ăn và dự trữ năng lượng cho chặng tiếp theo của cuộc hành trình là điều cần thiết cho sự sống còn của chúng. “Mất những điểm dừng chân này nghĩa là lũ chim không còn đủ năng lượng cần thiết cho cuộc hành trình và sẽ chết trên đường đi. Nhiều điểm dừng chân quan trọng đã bị mất do khai hoang để mở rộng đô thị, phát triển công nghiệp và nông nghiệp, và các loài chim đang bị suy giảm nhanh chóng" - nhà khoa học bảo tồn Claire Runge (Đại học Queensland) cho biết.

Bà Runge kêu gọi các quốc gia tạo ra những khu bảo tồn mới ở các vị trí chủ chốt, cải thiện việc quản lý các khu bảo tồn hiện có và phối hợp hành động bảo tồn xuyên biên giới quốc tế. "Một số loài chim di cư đã đã bị tuyệt chủng và thế giới này sẽ trở nên nghèo nàn hơn mỗi khi chúng ta để mất đi một loài sinh vật", nhà khoa học bảo tồn Richard Fuller nói.

Trung Hiếu (theo Reuters)