📞

Gia tăng rạn nứt trong quan hệ EU - Ba Lan

16:45 | 11/03/2017
Tranh cãi với EU sẽ làm suy giảm hình ảnh và uy tín của Ba Lan, nước vốn có tiếng nói quan trọng trong nhiều vấn đề của khu vực.

Mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan xuất hiện rạn nứt mới sau khi 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên bỏ phiếu bầu ông Donald Tusk vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Châu Âu thêm một nhiệm kỳ nữa, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ phía Ba Lan. Cùng với những tranh cãi chưa đến hồi kết về cải cách tư pháp tại Ba Lan, sự kiện mới này dường như càng làm cho những rạn nứt giữa Ba Lan và EU nới rộng thêm.  

Mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan đã xuất hiện rạn nứt mới. (Nguồn: AP)

Rạn nứt cũ chưa lành

Quan hệ giữa Ba Lan và EU đã xấu đi trong hơn 1 năm qua kể từ khi chính phủ Ba Lan do đảng Pháp luật và Công lý (PiS) lên nắm quyền thông qua kế hoạch cải cách một số cơ quan quan trọng, trong đó có Tòa án Hiến pháp nước này. Việc bổ sung, thay thế thành phần các thẩm phán do Đảng cầm quyền đề cử, thay đổi chức năng hoạt động của tòa sẽ giúp việc thông qua luật tại tòa dễ dàng hơn, ít vấp phải sự phản đối hơn.

Động thái trên đã làm tê liệt hoạt động của Tòa án có thẩm quyền cao nhất tại Ba Lan trong một thời gian dài, dẫn tới các cuộc biểu tình rầm rộ ở trong nước. Nó đồng thời gây quan ngại tới Ủy ban châu Âu, buộc cơ quan này phải tiến hành điều tra vào tháng 1/ 2016. Theo Ủy ban châu Âu, với việc thực hiện kế hoạch cải cách của mình, Ba Lan đã phá vỡ nguyên tắc luật pháp của EU đòi hỏi sự tách bạch giữa chính phủ và cơ quan tư pháp. 

Trong năm 2016, Ủy ban châu Âu đã nhiều lần ra khuyến nghị yêu cầu Ba Lan phải rút lại những cải cách gây tranh cãi đối với Tòa án Hiến pháp nước này. Tuy nhiên Ủy ban châu Âu không hài lòng với những gì mà Ba Lan đã thực hiện và tháng 12/2016, Ủy ban châu Âu đã đưa ra cảnh báo có thể áp dụng lệnh trừng phạt đối với Ba Lan nếu nước này từ chối tuân thủ các khuyến nghị của mình. Theo đó, Ba Lan có thể sẽ bị tước quyền bỏ phiếu tại EU – điều chưa từng xảy ra kể từ khi khối này được thành lập.

Về phía Ba Lan, chính phủ cũng đã nỗ lực cải cách hoạt động của Tòa án Hiến pháp, đồng thời bảo vệ những gì mình đã thực hiện.

Trong bức thư phúc đáp thời hạn chót mà Ủy ban châu Âu đưa ra vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Ngoại giao Ba Lan khẳng định Ba Lan luôn tôn trọng củng cố trật tự pháp lý dân chủ tại nước này, bao gồm việc thiết lập một cơ chế hoạt động ổn định cho Tòa án Hiến pháp, và những cải cách thời gian qua đã tạo điều kiện cho Tòa án này hoạt động bình thường. Vì vậy, Ba Lan cho rằng, không có lý do gì để cáo buộc có mối đe dọa mang tính hệ thống đối với nguyên tắc luật pháp tại nước này được.

Rạn nứt mới đã xuất hiện

Ông Donald Tusk đang trở thành tâm điểm tranh cãi giữa Ba Lan và EU. (Nguồn: AP)

Chưa dừng lại ở đó, mối quan hệ giữa Ba Lan và EU lại xuất hiện thêm rạn nứt mới khi Ba Lan kiên quyết phản đối việc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, nguyên Thủ tướng Ba Lan, thêm một nhiệm kỳ 2,5 năm nữa.

Ba Lan đưa ra lý do ông Tusk vượt quá quyền hạn của mình, can thiệp vào công việc nội bộ của Ba Lan. Thêm vào đó, ông Tusk còn bị cáo buộc có trách nhiệm trong vụ máy bay của Ba Lan bị rơi tại Nga năm 2010, làm Tổng thống và nhiều quan chức cao cấp chính phủ thiệt mạng.

Tuy nhiên, dường như Ba Lan, nền kinh tế lớn thứ sáu trong EU, bị cô lập trong sự kiện này khi 27 trong tổng số 28 nhà lãnh đạo các nước thành viên tham dự đã bỏ phiếu bầu cho ông Tusk. Thậm chí, Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia, ba nước láng giềng gần gũi có chung quan điểm trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế với Ba Lan cũng không tán thành quan điểm của Ba Lan - nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm Visegrad mà cả bốn nước trên đều là thành viên.

Phản ứng với sự kiện này, ngày 10/3, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo kêu gọi cần có sự cải cách sâu rộng trong EU. Bà cáo buộc Hội đồng châu Âu biểu quyết hôm 9/3 đã không cân nhắc tới quan điểm của Ba Lan và điều này càng bộc lộ rõ sự khiếm khuyết của Liên minh châu Âu. Bà cảnh báo sẽ xuất hiện những chia rẽ mới ngay trong nội bộ khối nếu những khiếm khuyết này không được khắc phục.

Thêm vào đó, người đứng đầu chính phủ Ba Lan cũng đề nghị, trong Tuyên bố dự kiến được ký tại Hội nghị đặc biệt của khối tại thủ đô Rome của Italy vào cuối tháng này cần phải  bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các thành viên và chỉ rõ định hướng cải cách của Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo. (Nguồn: consilium.europa.eu)

Phát biểu trên Đài phát thanh Ba Lan cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Witold Waszczykowski kêu gọi EU cần phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản của chính mình. Ông ví việc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại Brussels ngày 9/3 như là một ván cờ, trong đó luật chơi đã bị thay đổi bởi đa số các nước, và điều đó đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của khối này.

Chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý cầm quyền tại Ba Lan, ông Jarosław Kaczinski, người được cho là chính trị gia quyền lực tại nước Cộng hòa Trung Âu này, cũng cáo buộc EU đã phá vỡ nguyên tắc cơ bản tồn tại bấy lâu nay, trong đó có nguyên tắc trung lập, khi bỏ phiếu cho ông Tusk.

Tranh cãi với EU, Ba Lan mất nhiều hơn được

Chưa rõ tranh cãi giữa Ba Lan và EU đi tới đâu, nhưng chắc chắn một điều nó hoàn toàn không có lợi cho Ba Lan. Các chuyên gia cho rằng, Ba Lan sẽ mất nhiều hơn được, chí ít cũng ở khía cạnh hỗ trợ tài chính từ phía EU bởi kể từ khi gia nhập EU, Ba Lan hưởng lợi rất nhiều từ các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của khối này.

Hơn thế nữa nó sẽ làm suy giảm hình ảnh và uy tín của Ba Lan, nước vốn có tiếng nói quan trọng trong nhiều vấn đề của khu vực. Trong con mắt của các nhà lãnh đạo EU và quốc tế, chính sách châu Âu của Ba Lan tỏ ra không phát huy hiệu quả và nước này sẽ bị coi là người đứng ngoài cuộc trong các quyết định của EU.

Trong khi các cuộc đàm phán về Anh rời khỏi EU và tương lai của khối này đang ở vào giai đoạn quyết định, liệu Ba Lan có sẵn sàng hợp tác với các nhà lãnh đạo EU khác và với ông Donald Tusk hay không vẫn là một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ sau hội nghị thượng đỉnh lần này.

(theo Hữu Bình/VOV-Praha)