📞

Gia thế 'khủng' của dàn Hoa hậu Việt

Phương Nhung 18:40 | 28/06/2021
Ngoài sở hữu nhan sắc và tài năng, một số Hoa hậu Việt còn được sinh ra trong các gia đình dòng dõi quyền quý, có truyền thống hiếu học.

Sinh trưởng trong những gia đình danh giá, dàn Hoa hậu Việt như Hà Kiều Anh, Thu Thủy, Dương Thùy Linh, Lan Khuê cũng được đánh giá là những mỹ nhân có học thức vững vàng. Truyền thống hiếu học ngấm vào họ từ bé.

Hoa hậu Việt Nam năm 1994 Thu Thủy

Hoa hậu Thu Thủy từng đỗ 3 trường đại học vào năm cô đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. (Nguồn: Dân trí)

Trong mắt nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh (Dương Xuân Nam) - "cha đẻ" của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thu Thủy là người đẹp rất bản lĩnh, thông minh, năng động, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám sống. Sự ra đi đột ngột của Hoa hậu ở tuổi 45 để lại bao tiếc thương cho những người yêu mến cô.

Nguyễn Thu Thủy đăng quang Hoa hậu toàn quốc 1994 khi vừa tròn 18 tuổi. Người đẹp quê gốc Nam Định nhưng lớn lên ở Hà Nội. Trước khi đăng quang ngôi vị Hoa hậu, Nguyễn Thu Thủy đã đỗ ba trường đại học và quyết định theo học tại Học viện Ngoại giao.

Hoa hậu Thu Thủy ham đọc sách, trong ngôi nhà của cô luôn có rất nhiều sách. Ngoài ra, trong những ngày tháng trước khi mất, Hoa hậu chia sẻ nhiều về sở thích viết tay.

Phó trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Kim Dung chia sẻ: “Thu Thủy là một Hoa hậu có học thức, nền tảng gia đình rất tốt. Cả bố và mẹ cô đều là cán bộ nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học. Năm Thu Thủy đăng quang cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, cô đã đỗ ba trường Đại học. Năm ấy, ngoài việc giành danh hiệu Hoa hậu, chị còn đạt giải Người đẹp ứng xử hay nhất”.

Ảnh chụp gia đình Hoa hậu Thu Thủy năm 1994. (Nguồn: Dân trí)

Những đam mê của Thu Thủy có lẽ một phần xuất phát từ gia thế của cô. Hoa hậu sinh ra, lớn lên ở Hà Nội trong một gia đình trí thức, cả bố và mẹ cô đều là cán bộ nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học.

Bố cô là Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Văn Lợi từng là Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, còn mẹ là tiến sĩ Chu Bích Thu, một soạn giả từ điển ngôn ngữ.

Ông Nguyễn Văn Lợi là một chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu: Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và tiếng Việt, Ngữ âm học, Ngữ âm học bệnh học..., đồng thời là một nhà nghiên cứu sâu sắc về Từ điển học và Bách khoa thư học.

Ông có nhiều công trình được đánh giá cao cả ở trong nước và nước ngoài. Sự ra đi của ông vào cuối năm 2020 là một mất mát lớn cho giới nghiên cứu ngôn ngữ học.

Hoa hậu Việt Nam 1992 Hà Kiều Anh

Hoa hậu Hà Kiều Anh luôn toát lên vẻ đẹp sang trọng, quyền quý. (Nguồn: Dân trí)

Hà Kiều Anh vốn được biết đến là một Hoa hậu có xuất thân đáng ngưỡng mộ. Cô là cháu ngoại của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - ông Vương Quốc Mỹ, là cháu nội nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - ông Hà Văn Lâu. Cha cô là kỹ sư điện tử Hà Tăng Lâm, mẹ là nữ doanh nhân Vương Kiều Oanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vương Anh.

Mới đây, Hoa hậu Hà Kiều Anh bất ngờ tiết lộ, bà nội cô tên Nguyễn Tăng Diệu Hương là con gái của bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh - tức con cháu hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng.

Tìm về lịch sử gia đình, Hoa hậu Hà Kiều Anh viết: "Vua Minh Mạng có hoàng tử thứ 11 tên là Tuy Lý Vương. Ông Tuy Lý Vương được dân yêu mến gọi là ông quan 3: quan thơ (ông làm thơ rất hay), quan nông (ông thường hay mặc quần áo nâu hướng dẫn dân làm ruộng), quan hiếu (ông rất có hiếu với mẹ - ông đã đón mẹ mình lúc đó là vợ vua, gọi là Tiệp Phi, về ở Phủ Tuy Lý Vương của mình để phụng dưỡng suốt đời cho đến lúc bà mất). Phủ Tuy Lý Vương đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia".

Ông bà nội của Hoa hậu Hà Kiều Anh. (Nguồn: Dân trí)

"Ông Tuy Lý Vương đẻ ra cậu con trai được gọi là Hương Ngãi (tên hồi xưa của các con vua cháu chúa, thường được gọi theo chức danh), ông Hương Ngãi (hay còn gọi là ông Hường Ngãi) đẻ ra 4 con trai và 3 cô con gái, trong đó có bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh - là bà cố nội của mình.

Bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh là vợ thứ 3 của ông Nguyễn Tăng Lộc, cũng là một ông quan trong triều đình nhà Nguyễn, bà là một người cực kỳ xinh đẹp, có thể nói là đẹp nghiêng nước nghiêng thành với làn da trắng muốt không tỳ vết. Chỉ tiếc là bà mất rất trẻ khi mới 36 tuổi và mất vì bệnh đậu mùa. Nhưng bà đã sinh được 2 người con: một nam, một nữ và nữ là bà Nguyễn Tăng Diệu Hương - bà nội của mình", Hoa hậu tự hào chia sẻ.

Bà nội đã nói với Hà Kiều Anh rằng, cô là công chúa đời thứ 7.

Hoa hậu phụ nữ Toàn thế giới 2018 Dương Thùy Linh

Hoa hậu Dương Thùy Linh sở hữu trình độ học vấn, hiểu biết xã hội rộng. (Nguồn: Dân trí)

MC Dương Thùy Linh là Mrs Worldwide 2018 - Hoa hậu phụ nữ Toàn thế giới 2018. Trước đó, vào năm 2004, cô đoạt giải Bạc miền Bắc cuộc thi Siêu mẫu Việt Nam và giải đồng Siêu mẫu Việt Nam.

Cùng năm này, cô là đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Miss Tourism International (Hoa hậu Du lịch quốc tế). Năm 2008, cô tham dự Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và lọt top 5 cùng giải phụ Hoa hậu Thân thiện.

Điểm mạnh của cô chính là trình độ học vấn, sự hiểu biết xã hội rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ nhỏ cô đã sinh sống, học tập ở nước ngoài nên thành thạo về tiếng Anh, có kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt.

Hoa hậu Dương Thùy Linh cùng bố mẹ đẻ, em trai và chồng con. (Nguồn: Dân trí)

Cô có kinh nghiệm làm MC truyền hình và hoạt động showbiz nhiều năm nên biết cách để mình luôn tỏa sáng trước đám đông.

Dương Thùy Linh sinh năm 1983 tại Hà Nội trong một gia đình có nền tảng tốt. Bố cô là Phó Giáo sư Dương Đức Lân, từng học Tiến sĩ khoa học ở Hungary sau đó về nước là giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng tại Đại học Kinh tế Quốc dân, làm việc ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước khi về hưu với học hàm Phó Giáo sư, ông từng làm Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề. Mẹ đẻ của người đẹp là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Thị Thuận, từng giữ quyền Hiệu trường Đại học Lao động Xã hội. Bà từng đảm nhận vị trí Giám đốc quốc gia về xóa đói giảm nghèo.

Lan Khuê - Top 11 Miss World 2015

Lan Khuê và bố mẹ ruột. (Nguồn: Dân trí)

Gia đình Lan Khuê vốn nổi tiếng là gia đình nho nhã, gia giáo. Bố mẹ Lan Khuê đều là giảng viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Chính sự kèm cặp nghiêm khắc từ bố mẹ và các thành viên khác trong họ hàng nên trong suốt 12 năm học phổ thông, Lan Khuê đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Căn nhà nhỏ khi ấy của gia đình cô toàn là sách.

Sau khi thi vào khoa tiếng Đức của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, Lan Khuê đã xin mẹ một năm để thử sức với con đường người mẫu chuyên nghiệp. Không ngờ, bước ngoặt đó đã đưa đến những thay đổi trong cuộc sống của cô sau này, trở thành một ngôi sao trong làng giải trí Việt.

Ông ngoại cô chính là Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Sư phạm TP.HCM - GS. Nhà giáo nhân dân Trần Thanh Đạm. Giáo sư còn là Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học Nghệ thuật trung ương.

Lan Khuê và ông ngoại. (Nguồn: Dân trí)

Ông xã Lan Khuê - Nguyễn Tuấn John sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời và định cư ở nước ngoài lâu năm. Tuấn John sinh năm 1987. Năm 2015, anh là thành viên ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.

Bà nội của Nguyễn Tuấn John là nữ doanh nhân Tư Hường - đại gia khét tiếng trong ngành bất động sản Sài thành.

Tổ ấm nhỏ của Lan Khuê. (Nguồn: Dân trí)

Sau đám cưới cổ tích, Lan Khuê lui về chăm lo cho tổ ấm nhiều hơn. Cô thường xuất hiện với hình ảnh bà nội trợ đảm đang, trên trang cá nhân, người đẹp hay chia sẻ những món ăn mà cô tự tay vào bếp nấu cho chồng con thưởng thức.

(theo Dân trí)