Giá tiêu hôm nay 10/4: Thế giới giảm nhẹ, trong nước cao nhất 74.000đ/kg. (Nguồn: Food Hacks) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, ghi nhận lúc 0h15 ngày 10/4, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ tăng nhẹ so với một ngày trước đó, tăng 100 Rupee/tạ, ở mức 40.333,35 Rupee/tạ (cao nhất) và 40.250 Rupee/tạ (thấp nhất).
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) ngày 9/4 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 308,59 VND/INR.
Theo bài viết mới đây trên The Hindu Business Line, Kishore Shamji, một nhà kinh doanh hạt tiêu ở sàn giao dịch Kochi chỉ ra rằng, thị trường hồ tiêu tại các bang Maharashtra và Gujarat đã bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt.
Theo Shamji, nguyên nhân là do tình hình lây lan dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ ngày một diễn biến phức tạp, khiến nhu cầu về hồ tiêu giảm bớt.
Cũng theo chuyên gia trên, thời gian qua, giá tiêu tăng mạnh tại Ấn Độ đã buộc người nông dân phải giữ lại một lượng tiêu nhất định, khiến thị trường khan hiếm hàng hơn. Trung bình, sàn Kochi thực hiện giao dịch khoảng 25 tấn hồ tiêu mỗi ngày, chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Sri Lanka.
Ngoài ra, Shamji cho biết, nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm tiêu xanh đang tăng lên, đặc biệt là từ các nước châu Âu. Đây cũng là một yếu tố góp phần làm giảm lượng tiêu đen tại các phiên đấu giá. Năm nay, ước tính sản lượng hồ tiêu ở Ấn Độ đạt 60.000-65000 tấn.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 70.000 - 74.000 đồng/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 70.000đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (71.000đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (72.000đ/kg); Bình Phước (73.000đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 74.000 đ/kg.
Mặc dù giá tiêu hiện nay đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, người trồng đã có chút lợi nhuận nhưng thị trường vẫn đang tiềm ẩn bất ổn, giá lên xuống khó dự đoán khiến bà con không khỏi lo lắng. Nhất là khi năm nay, năng suất nhiều vườn tiêu bị giảm trầm trọng, giá thuê nhân công thu hái tăng, dịch bệnh trên cây tiêu vẫn còn...
Mới đây, Phòng NN&PTNT huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn huyện đang có hơn 100 ha hồ tiêu bị bệnh rệp sáp rễ và tuyến trùng rễ gây hại.
Mức độ nhiễm lên đến 5%, nằm rải rác ở các vùng trồng hồ tiêu của huyện như: Ea M'nang, Cư Dliê M'nông, Quảng Tiến, Quảng Hiệp, thị trấn Quảng Phú và thị trấn Ea Pốk.
Thực tế là tình trạng hồ tiêu bị bệnh diễn ra nhiều năm nay và vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Điều này dẫn đến một số vườn cây bị bệnh chết nhanh chết chậm, làm giảm năng suất, sản lượng.
Một phần nguyên nhân hồ tiêu bị nhiễm bệnh là do khi mở rộng diện tích trồng tiêu, người dân chưa chú trọng kỹ khâu cải tạo đất, cây giống... Bà con cũng chưa thông thạo kỹ thuật phòng ngừa sự lây nhiễm, xử lý mầm bệnh.
Nhiều vườn do lạm dụng bón phân hoá học, thuốc trị bệnh thời gian dài, dẫn đến đất đai bị ngộ độc, khiến cây tiêu dễ nhiễm bệnh.
Toàn huyện Cư M'gar có 4.800 ha hồ tiêu, trong đó hơn 1.700 ha được trồng thuần, còn lại trồng xen trong vườn cà phê. Ước tính năm 2021 sản lượng hồ tiêu của huyện giảm khoảng 50%.
Trước đó, tại huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), tình trạng tiêu chết hàng loạt xảy ra trên hàng nghìn hecta.
Lãnh đạo huyện Bù Gia Mập cho biết, tổng diện tích hồ tiêu đến quý I/2020 là 1.856 ha, trước đó năm 2017 là 2.292ha. Việc tiêu chết nhiều xảy ra từ năm 2017 đến tháng 4/2019, diện tích tiêu bị chết toàn huyện là 1.256ha.
Trong đó, riêng xã Đắk Ơ (có 1.540ha tiêu năm 2017), diện tích tiêu chết lên đến 1.017ha (chiếm 80% toàn huyện). Đến niên vụ 2019-2020, diện tích tiêu chỉ còn 664,7ha.
Về nguyên nhân tiêu chết, người dân cho rằng do dịch bệnh và kinh nghiệm trồng chăm sóc truyền thống không hiệu quả trong việc chữa bệnh cho cây tiêu.