📞

Giá tiêu hôm nay 14/9, đi ngang, thấp nhất 76.000đ/kg; thêm động lực cho người trồng tiêu

Hải An 05:12 | 14/09/2021
Theo đánh giá, thời điểm này, việc phát triển mới diện tích hồ tiêu là phù hợp. Bởi mầm bệnh trong đất đã giảm sau nhiều năm dừng canh tác hồ tiêu. Giá tiêu tăng cũng tạo thêm động lực cho người dân.
Giá tiêu hôm nay 14/9, đi ngang, thấp nhất 76.000đ/kg. (Nguồn: MC)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định, giao dịch ở mức từ 76.000 - 80.000 đ/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (77.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (78.000 đ/kg); Bình Phước (79.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 80.000 đ/kg.

Với mức giá cao hơn 1,5 lần so với đầu năm (giá tiêu ngày 1/1/2021 trong khoảng 52.500 - 54.500 đồng/kg), nhiều địa phương tại 2 vùng trồng tiêu lớn: Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã ghi nhận hiện tượng nông dân mở rộng diện tích.

Theo đánh giá, thời điểm này, việc phát triển mới diện tích hồ tiêu là phù hợp. Bởi mầm bệnh trong đất đã giảm sau nhiều năm dừng canh tác hồ tiêu. Giá tiêu tăng cũng tạo thêm động lực cho người dân.

Tuy nhiên, ngành chức năng khuyến cáo, người dân không nên thấy giá tiêu cao mà trồng quá ồ ạt, chú trọng cách trồng thiên về sử dụng các chế phẩm sinh học.

Thông tin trên báo Đắk Lắk, năm 2015, anh Võ Ngọc Dũng (thôn Xuân Vĩnh, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) khi đang là sinh viên năm nhất ngành viễn thông đã quyết định bỏ ngang việc học trở về quê nhà Krông Năng theo đuổi đam mê làm nông nghiệp.

Dũng muốn trồng xen hồ tiêu vào 1 ha cà phê của gia đình để tăng thu nhập. Tuy nhiên, thời điểm ấy nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn tỉnh phát bệnh chết nhanh, chết chậm, giá liên tục lao dốc chỉ còn 40.000 đồng/kg, Nhiều nông dân vỡ nợ, không còn mặn mà với hồ tiêu. Vậy nên, quyết định trồng hồ tiêu của Dũng lúc ấy bị nhiều người cho rằng “điên”.

Dũng đã tìm hiểu và biết rằng nguyên nhân dẫn đến hồ tiêu bệnh và chết là từ việc canh tác thiếu tính bền vững, do lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Anh lên mạng Internet tìm hiểu quy trình trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ.

Năm 2016, Dũng bắt tay thiết kế lại khu vườn. Anh chọn trồng cây muồng đen vừa làm trụ cho hồ tiêu vừa tạo bóng mát cho cây cà phê. Làm nông nghiệp hữu cơ, quan trọng nhất là quy trình cải tạo cho đất.

Chính vì thế, để cân bằng lại hệ sinh thái và các vi sinh vật, anh để cỏ mọc tự nhiên, không sử dụng thuốc diệt cỏ. Đây là cách giữ độ ẩm cho đất, nhất là trong điều kiện mùa khô, nắng gắt.

Ngoài ra, Dũng sử dụng phân chuồng và phế phẩm nông nghiệp để ủ cùng men vi sinh làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng.

Đến lúc thu hoạch, Dũng thuê nhân công hái lọc quả chín rồi đem phơi trong nhà màng.

Cách làm này khá tốn công, nhưng do Dũng đã lường được nên điều tiết lượng nước, phân bón cho vườn cây ra hoa, đậu quả đều. Để chứng minh sản phẩm đạt chất lượng, Dũng mang sản phẩm đi kiểm tra.

Dũng phấn khởi chia sẻ: “Sau thời gian dài kỳ công chăm sóc, thu hoạch theo hướng hữu cơ, năm 2019 lần đầu tiên tôi bán được tiêu đỏ với giá 250.000 – 300.000 đồng/kg, tiêu đen 90.000 đồng/kg, cà phê giá 80.000 – 85.000 đồng/kg; cao gần gấp 3 so với giá trên thị trường. Sau khi trừ chi phí, 1 ha vườn cây cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống”.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ nông nghiệp hữu cơ đem lại, Dũng mạnh dạn thuyết phục các gia đình trong xóm liên kết mở rộng diện tích canh tác lên 3 ha. Hiện nay không những có đầu ra ổn định, sản phẩm hồ tiêu thô của anh còn không đủ nguồn hàng cung ứng cho các công ty chuyên xuất khẩu nông sản.

(tổng hợp)