Giá tiêu hôm nay 15/12, đi ngang, cao nhất 83.500 đ/kg. (Nguồn: Borneo Talk) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 81.000 - 83.500 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 81.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (82.000 đ/kg); Bình Phước (82.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 83.500 đ/kg.
Theo đánh giá, lượng tiêu xuất khẩu đã gom đủ cho đến hết năm 2021. Còn 3 tháng đầu năm 2022, sẽ cần khoảng hơn 50.000 tấn để xuất khẩu.
Như mọi năm, dù vụ tiêu mới bắt đầu thu hoạch từ Tết Nguyên đán nhưng sản lượng tháng 1 - 2 đưa ra thị trường chỉ chừng 15.000 - 20.000 tấn.
Theo thống kê, từ 2012, ghi nhận cho thấy, cứ vào đầu vụ là giá tiêu giảm, khi đó giá tiêu đã rất cao, hoặc dư cung, lượng tiêu dự trữ còn nhiều.
Còn với các chu kỳ tăng, 2007 - 2008, 2010 - 2011, 2020 - 2021, vào đầu vụ giá tiêu tăng.
Theo các nhà quan sát, có một số nguyên nhân: Các công ty xuất nhập khẩu theo thói quen trước đó, cứ cuối năm là ký hợp đồng bán xa cho Mỹ và Liên minh châu ÂU (EU) với giá rẻ, nên vào vụ buộc phải mua để giao hàng. Các đại lý lỡ bán hàng của dân gửi nên buộc phải mua lại bù.
Dân trồng tiêu nhìn thấy vụ mùa thất bát rõ ràng nên cố sức ôm lại. Giới thương lái nhìn thấy cơ hội đầu cơ nên ra sức gom hàng.
Với vụ năm nay, ngoại trừ yếu tố đầu tiên là bán xa. Năm qua, tình hình bấp bênh nên các công ty xuất khẩu đã hạn chế việc ký hợp đồng bán xa với các đối tác. Nên có thể yếu tố trên sẽ ít lặp lại.
Nhưng các yếu tố còn lại được dự đoán lặp lại trong vụ sắp tới. Trong đó, ai cũng nhìn thấy việc sản lượng giảm và bên nào cũng muốn ôm tiêu để làm giá. Với những tính toán trên, các chuyên gia đều dự đoán giá tiêu vụ mới sẽ tăng.
Theo Nhandan, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, sản lượng hồ tiêu Việt Nam trong những năm qua đang có chiều hướng giảm. Năm 2019, sản lượng khoảng 290 nghìn tấn, năm 2021 còn 180 nghìn tấn.
Diện tích hồ tiêu của nước ta hiện nay khoảng 131 nghìn héc-ta, tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Nguyên nhân hồ tiêu giảm về sản lượng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, sâu bệnh gây hại, chi phí đầu vào như phân bón tăng cao. Cùng với đó giá nhân công tăng cao lại khó thuê khi vào vụ thu hoạch ảnh hưởng đến thu nhập, nên nhân dân cũng không mặn mà đầu tư.
Đặc biệt, rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu ngày càng tăng; sự cạnh tranh gay gắt của các nước sản xuất hồ tiêu lớn trên thế giới như: Brazil, Indonesia, Campuchia...
Để giúp ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững, EU đã hỗ trợ dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững tại Việt Nam, giai đoạn 2021-2023”. Dự án do tổ chức IDH Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Gia vị châu Âu đồng tổ chức thực hiện, tập trung vào các hoạt động như tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho nông dân sản xuất hồ tiêu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia sẽ hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác bền vững và quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp góp phần gia tăng sản lượng hồ tiêu đạt tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Từ đó, bảo đảm thu nhập ổn định cho nhân dân, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển hồ tiêu bền vững.
Theo bà Mạc Tuyết Nga-Quản lý dự án IDH, dự án triển khai ở ba tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Theo đó, có 10 nghìn hộ dân được hưởng lợi trực tiếp, giúp tăng thu nhập cho người trồng hồ tiêu, bảo đảm sản xuất an toàn theo hướng thân thiện với môi trường.
Mục tiêu đến năm 2023, thu nhập của các hộ dân được hưởng lợi từ dự án sẽ tăng thêm khoảng 15%.