📞

Giá tiêu hôm nay 15/5, thị trường ảm đạm, nhiếu yếu tố tiêu cực, doanh nghiệp gặp khó khi gom hàng

Hải An 05:12 | 15/05/2022
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà giảm ở một số địa phương, giao dịch từ 73.000 – 76.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay. (Nguồn: Pinterest)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước nối dài đà giảm ở một số địa phương, giao dịch từ 73.000 – 76.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 73.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (73.500 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (74.000 đ/kg); Bình Phước (75.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 76.000 đ/kg.

Như vậy, tại thị trường trong nước, giá tiêu đã có 3 ngày giảm liên tiếp, mất 2.500 đồng mỗi kg.

Báo cáo của Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế cho thấy, tuần này triển vọng khá tiêu cực tại tất cả các nước, không có nguồn nào được báo cáo tăng. Do đồng Rupee của Ấn Độ suy yếu so với USD, ghi nhận mức giảm giá 1% của quốc gia này trong tuần.

Trong khi đó, thị trường mở cửa trở lại sau khi các nhà thờ Hồi giáo ở Indonesia tổ chức lễ Eid Al-Fitri, nhưng cũng ghi nhận sự ảm đạm.

Vụ tiêu tiếp theo của Indonesia bắt đầu từ tháng 6 trở đi. Theo báo cáo của IPC, sản lượng hồ tiêu Indonesia vụ 2022 có khả năng giảm 10% so với năm 2021.

Xuất khẩu hồ tiêu của Indonesia giảm mạnh trong năm 2021 với 37.738 tấn, giảm 35% so với năm 2020 do Trung Quốc nghỉ Tết và xuất khẩu bị hạn chế do thiếu hụt chỗ trên tàu và container rỗng. Giá FOB tiêu đen và tiêu trắng của Indonesia cho thấy chiều hướng giảm trong 3 tháng đầu năm 2022.

Sự kiên định của Trung Quốc trong việc thực hiện chính sách “Zero Covid” không chỉ khiến chuỗi cung ứng nội địa đứt gãy mà còn tác động đến giá hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới.

Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục giảm, đồng thời một số lô hàng hồ tiêu đang bị kẹt ở cửa khẩu có thể sẽ bị bán ngược lại Việt Nam để cắt lỗ sẽ gây áp lực lên giá tiêu trong nước.

Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn vận tải biển có thể trở nên trầm trọng hơn sau khi các biện pháp phong tỏa và hạn chế của Trung Quốc được nới lỏng bởi sẽ có sự bùng nổ lượng hàng hóa vận chuyển, từ đó tạo sức ép lớn đối với giá cước giao ngay.

Một số doanh nghiệp trong ngành nhận định, hồ tiêu Brazil hiện có mặt khắp nơi trên thế giới, Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh nếu Brazil tấn công thị trường Trung Quốc.

Hiện tại, quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn thứ hai toàn cầu này vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cả về số lượng và giá trị xuất khẩu.

Thông tin trên Báo Gia Lai, ông Phạm Trung Thành, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Song Hỷ Gia Lai, cho hay: Tình hình xuất khẩu đang diễn biến tốt, hoạt động vận tải đã thông suốt, nhưng giá cước vận tải vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, việc thu mua hạt tiêu trong nước vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến lượng hàng cung ứng cho nhà máy hoạt động. Để đảm bảo nguồn hàng cho chế biến, công ty đang tập trung thu mua nguồn nguyên liệu tại một số địa bàn trọng điểm như: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa.

(tổng hợp)