Giá tiêu hôm nay 16/1, đi ngang, tiêu Việt cạnh tranh hơn tại Mỹ. (Nguồn: Borneo Talk) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 75.500 – 78.000 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 75.500 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (76.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (77.000 đ/kg); Bình Phước (77.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 78.000 đ/kg.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cả năm 2021, xuất khẩu tiêu của Việt Nam ước đạt 261 nghìn tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020. Giá tiêu xuất khẩu đạt 3.593 USD/tấn, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng 12/2021 xuất khẩu tiêu đạt 15 nghìn tấn, trị giá 71 triệu USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 7% về trị giá so với tháng 11.
Giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 4.703 USD/tấn, tăng mạnh 70% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sang các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Pakistan tăng trong trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ASEAN giảm mạnh.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định năm 2022, ngành hạt tiêu tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống, đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam.
Dù Mỹ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ một số nước sản xuất như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, tuy nhiên lượng nhập khẩu vẫn ở mức thấp. Trong khi, hạt tiêu Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh, giữ vững thị phần ở thị trường này.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022, giá hạt tiêu thế giới tiếp tục được hỗ trợ do nguồn cung khan hiếm do tình trạng mất mùa tại các nước sản xuất chính.
Ở chiều ngược lại, theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 11 tháng năm 2021 nước ta cũng nhập khẩu một lượng lớn hạt tiêu từ nước láng giềng Campuchia, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, xuất khẩu hồ tiêu của Campuchia trong 11 tháng năm 2021 đạt 27.730 tấn, tăng 456,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tiêu của nước này bao gồm cả hồ tiêu gắn chỉ dẫn địa lý (GI) mang nhãn hiệu Kampot và các giống tiêu không gắn GI.
Trong đó, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nhất với 26.887 tấn, tiếp theo là Đức (497 tấn) và Thái Lan (180 tấn). Một lượng nhỏ hơn đã được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, dù nông dân trồng hồ tiêu của Campuchia ít thâm canh so với nông dân Việt Nam, nhưng năng suất của họ luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/ha, còn năng suất trồng tiêu của Việt Nam chỉ bằng một nửa.
Khoảng 95% lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, và 2 nước đang mua hồ tiêu của họ nhiều nhất là Việt Nam và Thái Lan.
Trong trung và dài hạn, ngành hồ tiêu Campuchia sẽ có những bước phát triển vượt bậc nhờ khả năng mở rộng diện tích, năng suất cao và quan trọng hơn là quốc gia này có đủ điều kiện sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ.