Nhỏ Bình thường Lớn

Khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, Trung Quốc 'phủ bóng đen' lên kinh tế thế giới

Những ngày qua, tình trạng thiếu năng lượng tại Trung Quốc, Anh và giá khí đốt tăng cao ở một số nước châu Âu đã gây gián đoạn cuộc sống thường nhật của người dân cũng như các hoạt động kinh tế của các nước này.

Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, vốn đã lao đao bởi đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua.

Châu Âu, Trung Quốc chìm trong khủng hoảng năng lượng, kinh tế thế giới
Châu Âu, Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: CNN)

Nguồn cung thiếu hụt, giá tăng chóng mặt

Nước Anh đang trải qua một đợt khan hiếm nghiêm trọng xăng và dầu diesel. Nhiều công ty ở nước này đã bị gián đoạn hoạt động vì không có nhiên liệu. Nhiều trạm xăng phải đóng cửa, các công ty bán lẻ xăng dầu suy sụp, giá năng lượng tăng chóng mặt, và người tiêu dùng hoảng sợ.

Tình trạng khan hiếm xăng dầu ở Anh xuất phát từ một số nguyên nhân đặc thù, bao gồm thiếu tài xế lái xe chở xăng dầu sau Brexit, nhưng câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra ở châu Âu và châu Á.

Tại châu Âu, tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng bắt đầu nổi lên ở châu Âu hồi đầu tháng 9/2021, khi lượng khí đốt dự trữ trong khu vực xuống thấp trong khi nguồn cung khí đốt cung cấp từ một số quốc gia, đặc biệt từ Nga, Na Uy bị hạn chế.

Giá khí đốt tăng chóng mặt trong lúc mùa Đông đang đến gần, khiến các chính phủ trong khu vực phải trợ cấp cho các hóa đơn nhiên liệu và áp trần giá nhiên liệu. Chỉ trong vòng một năm qua, giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã tăng khoảng 500%, lên gần mức kỷ lục.

Tại Mỹ, giá khí đốt cũng đã tăng hơn 180% trong vòng 12 tháng qua, lên mức 5,9 USD/1 triệu BTU, mức cao nhất kể từ tháng 2/2014.

Tại Trung Quốc, đất nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới, cũng đang chật vật vì thiếu than. Trong những tháng gần đây, lượng than dự trữ ở các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc xuống thấp, khiến các nhà máy nhiệt điện chật vật tìm mua đủ than để duy trì hoạt động.

Khi nguồn cung than thiếu hụt, kéo theo tình trạng Trung Quốc đang thiếu điện nghiêm trọng. Cùng với đó, các tiêu chuẩn về khí hậu ngày càng khắt khe, buộc nước này phải áp dụng rộng rãi nhiều biện pháp nhằm hạn chế lượng điện tiêu thụ.

Từ ngày 24/9, nhiều địa điểm khắp Đông Bắc Trung Quốc rơi vào cảnh mất điện. Hàng dài xe ô tô nối đuôi nhau do đèn giao thông không còn hoạt động và doanh số bán nến đã tăng lên gấp 10 ở Trung Quốc.

Tình trạng thiếu điện gây đảo lộn cuộc sống của người dân và khiến các nhà máy phải cắt giảm sản lượng, đặt ra rủi ro mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn dĩ đã có nhiều nút thắt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tin liên quan

Châu Âu với ‘cơn khát’ năng lượng

Châu Âu với ‘cơn khát’ năng lượng

Theo số liệu của Liên hợp quốc, giá nhiên liệu năng lượng như khí đốt, than và điện hiện đang tăng kỷ lục. Theo đó, giá dầu vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên sau ba năm, còn giá khí đốt tự nhiên đang ở mức đắt nhất trong 7 năm.

Ông Patrick Pouyanne-Giám đốc điều hành của TotalEnergies SE - tập đoàn năng lượng quốc tế cho biết, cuộc khủng hoảng khí đốt đang ảnh hưởng đến châu Âu có thể sẽ kéo dài cả mùa Đông. Cuộc khủng hoảng về giá năng lượng thậm chí có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian tới.

Các chuyên gia phân tích tài chính tại Mỹ dự báo, giá dầu có khả năng đạt 100 USD và điều này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nguồn cơn cuộc khủng hoảng

Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân chung đẩy thế giới vào tình trạng khan hiếm năng lượng và giá nhiên liệu tăng cao.

Năm 2020, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch, kinh tế toàn cầu sụt tốc, kéo nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm theo.

Để cứu giá dầu sau khi giá nhiên liệu này giảm dưới mức 0, lần đầu tiên trong lịch sử liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đối tác ngoài khối, hay còn gọi là nhóm OPEC+, đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu. Chứng kiến giá giảm sâu và triển vọng nhu cầu ảm đạm, các công ty dầu khí lớn cũng hoãn các dự án đầu tư phát triển mỏ mới.

Nhưng năm nay, khi hoạt động kinh tế tăng mạnh trở lại, nguồn cung dầu lửa và khí đốt đều tăng không kịp. Điều đó có nghĩa là nhu cầu phục hồi nhanh hơn nguồn cung, buộc giá phải tăng. Ngoài ra, các quỹ đầu cơ ở Phố Wall cũng góp phần đẩy giá dầu thô khí đốt lên cao hơn, khi họ nhận thấy mức tồn kho những nhiên liệu này giảm sâu.

Tuy nhiên, đợt tăng giá năng lượng toàn cầu này lại diễn ra vào một thời điểm đầy thách thức đối với các chính phủ trên thế giới, khi họ vừa phải đương đầu với lạm phát cao, vừa phải thúc đẩy sự dịch chuyển giảm bớt sử dụng các nhiên liệu hóa thạch nhằm chống lại sự nóng lên của Trái đất.

Năm 2020, năng lượng tái tạo lần đầu tiên trở thành nguồn điện chính của Liên minh châu Âu (EU). Theo Công ty nghiên cứu IHS Markit, đã có ít nhất 4 nước EU triển khai kế hoạch để tiến tới chấm dứt việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước vào năm 2050.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã đặt mục tiêu cho Mỹ phát điện không tạo ra khí thải carbon vào năm 2035. Đây là một mục tiêu tham vọng đòi hỏi một sự dịch chuyển nhanh, giảm bớt khí đốt và than trong phát điện sang năng lượng gió và mặt trời.

Thế nhưng, năng lượng tái tạo thực tế chưa đủ sức để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng vọt. Ví dụ như ở Anh và các nước châu Âu, dù muốn dựa nhiều hơn vào nguồn điện gió từ vùng Biển Bắc, nhưng không may là những đợt gió vào thời điểm này của năm nay lại yếu hơn bình thường, khiến sản lượng của các nhà máy điện gió bị giảm xuống thấp.

Thiếu hụt nguồn năng lượng tái tạo khiến các công ty điện lực ở châu Âu buộc phải chuyển qua sử dụng than để sản xuất điện, đẩy giá than tăng nhanh và kéo theo giá điện tăng lên mức kỷ lục ở nhiều nước. Người dân ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Ba Lan hiện đang phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng cao nhất mọi thời đại, làm tăng thêm những khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.

Với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng thiếu điện ở nước này bắt nguồn chủ yếu từ nguyên nhân nước này thiếu than cho các nhà máy phát điện.

Tin liên quan

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu: 80 triệu hộ gia đình

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu: 80 triệu hộ gia đình 'chịu trận', Nga có thể giải quyết vấn đề?

Ngoài ra, các địa phương của Trung Quốc cũng đối mặt sức ép của phải tuân thủ chính sách của chính phủ trung ương về cắt giảm ô nhiễm khí thải carbon, do đó phải hạn chế phát điện và giảm khai thác than.

Trung Quốc đã cam kết cắt giảm cường độ tiêu thụ điện 3% trong năm nay nhằm tiến tới mục tiêu đỉnh carbon vào năm 2030 và trung tính carbon vào năm 2060.

Hiện nay, khoảng 2/3 sản lượng điện của Trung Quốc là phát điện từ than. Chưa kể, tình trạng thiếu than của Trung Quốc còn do nước này dừng nhập khẩu than từ Australia từ năm 2020 như một biện pháp trả đũa khi mối quan hệ song phương căng thẳng.

Hệ lụy với kinh tế thế giới

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở một số nước được nhận định có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường đối với kinh tế thế giới.

Giá khí đốt và xăng dầu tăng cao có thể khiến lạm phát trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ thêm trầm trọng. Các chuyên gia đánh giá, nếu nhiệt độ ở Mỹ giảm sâu trong những tháng mùa Đông sắp tới, nhu cầu tiêu thụ khí đốt để sưởi ấm sẽ càng tăng mạnh, khiến lượng tồn kho khí đốt của nước này giảm sâu thêm, và giá sẽ còn lên cao hơn nữa.

Giá khí đốt tăng cao có thể khiến lạm phát ở Mỹ thêm trầm trọng. Người tiêu dùng ở nước này đang phải trả nhiều tiền hơn cho hầu như tất cả các mặt hàng từ ô tô cũ cho tới xăng và thực phẩm. Lạm phát leo thang đang gây sức ép buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm chương trình mua tài sản và thậm chí phải tăng lãi suất từ năm 2022.

Chính sách tiền tệ thay đổi sẽ tác động mạnh đến thị trường tài chính không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu. Ngoài ra, lạm phát cao cũng khiến một số nghị sĩ Mỹ đặt câu hỏi về sự cần thiết của các chương trình chi tiêu đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trong khi đó, với Trung Quốc, việc thiếu hụt năng lượng trên diện rộng đã buộc các nhà máy phải hạn chế sản xuất và khiến các nhà kinh tế phải cắt giảm dự báo tăng trưởng.

Theo phân tích của công ty nghiên cứu Lantau, giá nhiên liệu quá cao khiến nhiều nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc quyết định không hoạt động vì sợ thua lỗ.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cảnh báo rằng, các biện pháp ngặt nghèo nhằm cắt giảm lượng tiêu thụ điện sẽ dẫn tới sụt giảm sản lượng ngành sản xuất tại những địa phương đầu tàu trong lĩnh vực này như Giang Tô, Triết Giang và Quảng Đông - 3 tỉnh chiếm tổng cộng khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc. Sản lượng hàng hóa giảm có thể đẩy giá cả tăng cao ở cả Trung Quốc và các nước nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc.

Khủng hoảng thiếu điện cũng làm gia tăng áp lực đối với kinh tế Trung Quốc, vào đúng thời điểm nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới giảm tốc vì những nhân tố như biện pháp kiểm soát Covid-19 và hạ sốt thị trường bất động sản.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc không chỉ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nước này mà còn khiến giá cả thực phẩm leo thang, bởi khủng hoảng năng lượng có nghĩa nước này đang phải trải qua một mùa thu hoạch khó khăn từ ngô, đậu nành đến lạc và bông.

Trong năm qua, Bắc Kinh đã nhập khẩu một lượng nông sản kỷ lục do tình trạng thiếu hụt trong nước, khiến giá cả và chi phí lương thực toàn cầu lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu: Giá khí đốt lại đạt kỷ lục mới, 10 công ty Anh phá sản

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu: Giá khí đốt lại đạt kỷ lục mới, 10 công ty Anh phá sản

Cuộc khủng hoảng nguồn cung ngày càng leo thang tại châu Âu khiến giá khí đốt tự nhiên đạt kỷ lục mới vào ngày 5/10, ...

Quan hệ 'đóng băng' đang cản đường Trung Quốc mua than Australia?

Quan hệ 'đóng băng' đang cản đường Trung Quốc mua than Australia?

Theo ngân hàng đầu tư Mizhuo của Nhật Bản, Trung Quốc cần tăng cường cung cấp than để tránh suy giảm kinh tế trong quý ...

(theo TTXVN)

Tin cũ hơn

Bản quyền truyền hình: 'Vô hiệu hoá' hộp giải mã, hết thời xem lậu? Bản quyền truyền hình: 'Vô hiệu hoá' hộp giải mã, hết thời xem lậu?
Bầu cử Tổng thống Mỹ có đảo ngược 'thế trận' cuộc đua trong ngành năng lượng Mặt trời? Bầu cử Tổng thống Mỹ có đảo ngược 'thế trận' cuộc đua trong ngành năng lượng Mặt trời?
Kinh tế đạt kỳ tích trước thềm bầu cử Mỹ 2024, vượt xa các nước tiên tiến, người dân có nỗi lo riêng Kinh tế đạt kỳ tích trước thềm bầu cử Mỹ 2024, vượt xa các nước tiên tiến, người dân có nỗi lo riêng
Dòng chảy phương Bắc: Hai năm 'ngủ yên' dưới đáy biển sâu, nhiều tình tiết đáng ngờ đã được 'nhắm mắt làm ngơ'? Dòng chảy phương Bắc: Hai năm 'ngủ yên' dưới đáy biển sâu, nhiều tình tiết đáng ngờ đã được 'nhắm mắt làm ngơ'?
Bầu cử Mỹ 2024: Tỷ phú Elon Musk ‘chơi lớn’ - ủng hộ ông Trump là thành triệu phú, đã có tính toán gì ở đây? Bầu cử Mỹ 2024: Tỷ phú Elon Musk ‘chơi lớn’ - ủng hộ ông Trump là thành triệu phú, đã có tính toán gì ở đây?
Rời xa năng lượng Nga vẫn là bài toán khó, Hungary thậm chí còn muốn mua thêm, châu Âu có cách gì? Rời xa năng lượng Nga vẫn là bài toán khó, Hungary thậm chí còn muốn mua thêm, châu Âu có cách gì?
Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giá vàng đang ở vùng rủi ro, 'bay tiếp hay rơi', bao giờ kim loại quý chạm đỉnh 3.000 USD? Giá vàng hôm nay 1/11/2024: Giá vàng đang ở vùng rủi ro, 'bay tiếp hay rơi', bao giờ kim loại quý chạm đỉnh 3.000 USD?
Kinh tế Đức 'vén mây mù', bước qua suy thoái, khó khăn đang 'càn quét' ngành chiếm tới 20% GDP Kinh tế Đức 'vén mây mù', bước qua suy thoái, khó khăn đang 'càn quét' ngành chiếm tới 20% GDP
Kinh tế thế giới nổi bật (25-31/10): Lãi suất ở Nga cao kỷ lục, Trung Quốc phản ứng mạnh với EU, Đức thoát suy thoái trong ‘gang tấc’ Kinh tế thế giới nổi bật (25-31/10): Lãi suất ở Nga cao kỷ lục, Trung Quốc phản ứng mạnh với EU, Đức thoát suy thoái trong ‘gang tấc’
USD không còn là ‘con gà trống’ duy nhất trong chuồng, BRICS đã sẵn sàng phi USD hóa, sẽ ‘không khôn ngoan’ nếu Mỹ làm điều này USD không còn là ‘con gà trống’ duy nhất trong chuồng, BRICS đã sẵn sàng phi USD hóa, sẽ ‘không khôn ngoan’ nếu Mỹ làm điều này
Giá vàng hôm nay 31/10/2024: Giá vàng đón cơn 'cuồng phong'; SJC, vàng nhẫn 'phấp phới'; có tiền cũng khó mua Giá vàng hôm nay 31/10/2024: Giá vàng đón cơn 'cuồng phong'; SJC, vàng nhẫn 'phấp phới'; có tiền cũng khó mua
Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên làm điều này, lợi thế thu được có thể vượt xa mong đợi Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên làm điều này, lợi thế thu được có thể vượt xa mong đợi