📞

Giá tiêu hôm nay 17/10, thị trường trong nước trước nguy cơ bán ồ ạt, thời điểm chín muồi để tiêu Việt chinh phục thị trường châu Âu

HẢI AN 07:43 | 17/10/2022
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định tại một số địa phương, giao dịch từ 59.500 - 62.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay 17/10, thị trường nội địa trước nguy cơ bán ồ ạt, thời điểm chín muồi để tiêu Việt chinh phục thị trường châu Âu. (Nguồn: Times of India)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định tại một số địa phương, giao dịch từ 59.500 - 62.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 59.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (60.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (60.500 đ/kg); Bình Phước (61.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 62.000 đ/kg.

Như vậy, tổng kết tuần qua, giá tiêu giảm 1.000 đồng/kg ở Đồng Nai, Bình Phước; giảm 1.500 đồng/kg tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu; trong khi đó Gia Lai mất nhiều nhất với 2.000 đồng/kg.

Thị trường nội địa đang đứng trước nguy cơ bán ồ ạt khi vừa thủng mốc 60.000 đồng/kg. Nhu cầu nhập tiêu của Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng khiến cho giá tiêu trong nước liên tục giảm.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng vào những thị trường tiềm năng khác, chú trọng khu vực Đông Bắc Á và châu Âu.

Mới đây nhất, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam xâm nhập sâu vào thị trường Pháp, ngày 14/10, VPA phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp (CCI) và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức buổi giao thương kết nối khách hàng với các đối tác nhà nhập khẩu của quốc gia này.

Pháp là một trong những thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam tại châu Âu với vị trí thứ 4 sau Đức, Hà Lan và Anh. Năm 2021 Pháp đã nhập khẩu 5.600 tấn hồ tiêu với kim ngạch xuất khẩu đạt 21,2 triệu USD, so với năm 2019 lượng xuất khẩu tăng 66,4% và so với năm 2020 tăng 37,9%, trong đó tỷ lệ tiêu đã qua chế biến chiếm 10%.

9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu sang Pháp đạt 2.169 tấn giảm 49,3% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu trong đó EU là một trong những khu vực bị ảnh hưởng chính.

Tuy nhiên, thị trường Pháp hứa hẹn tiếp tục vẫn sẽ là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của hồ tiêu Việt Nam tại khu vực châu Âu trong thời gian tới khi khủng hoảng kinh tế qua đi.

Tại sự kiện, Chủ tịch VPA Hoàng Thị Liên nhận định, để sản phẩm tiêu của Việt Nam có thể được bày bán trên các kệ siêu thị ở Pháp như mặt hàng gạo, các ban ngành ở Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, trong đó VPA đóng vai trò chủ đạo, đồng hành với các nhà xuất khẩu, người nông dân và nhà sản xuất.

Ngoài ra, vai trò của các cơ quan đại điện tại địa bàn như Thương vụ hay Đại sứ quán cũng rất quan trọng, đặc biệt trong việc cung cấp thông tin và kết nối chặt chẽ với các đối tác Pháp.

Theo bà Liên, các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam tham gia đoàn lần này đều rất mạnh và có tiềm lực xuất khẩu tốt. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và bán buôn lớn của Pháp cũng tham gia sự kiện này. Đây sẽ là thời điểm chín muồi để ngành hồ tiêu Việt Nam đầu tư phát triển thương hiệu tại Pháp và châu Âu.

Trên thị trường thế giới, thông tin trên The Hindu Business Line, ông Kishore Shamji, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hạt tiêu và Gia vị Ấn Độ (IPSTA), cho biết, giá tiêu trong nước đang đi lên do nhu cầu lễ hội ở các thị trường vùng cao gia tăng và trước mùa Diwali, đặc biệt là từ các nhà sản xuất gia vị.

Hiện tại, ngày càng có nhiều công ty bắt đầu sản xuất gia vị, do đó, nhu cầu dự kiến ​​sẽ tăng lên. Tiêu thụ nội địa của Ấn Độ đang ở mức cao hơn so với yêu cầu trung bình hằng tháng là 5.500 tấn.

Nhờ những trận mưa tốt trong năm nay, sản lượng tiêu ở Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng 10-15% ở cả Kerala và Karnataka từ con số 50.000-55.000 tấn của năm ngoái.

(tổng hợp)