Giá tiêu hôm nay 21/12, ổn định, cao nhất 82.000 đ/kg. (Nguồn: Shuterstock) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 79.500 - 82.000 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 79.500 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (80.500 đ/kg); Bình Phước (81.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 82.000 đ/kg.
Trong năm qua, tuy giá tiêu tăng mạnh, người trồng cơ bản đã có lãi, nhưng giá phân bón tăng cao, xăng dầu, nhân công, chi phí quản lý cùng tăng khiến người nông dân rủi ro cao khi đầu tư vụ mới.
Để đối phó với tình trạng giá cả bấp bênh, ngành nông nghiệp các địa phương vẫn luôn khuyến cáo về mô hình trồng tiêu sạch, tiêu hữu cơ. Bất chấp giá thị trường trồi sụt, hồ tiêu hữu cơ vẫn giúp nông dân sống khỏe vì đầu ra với tiêu sạch, hồ tiêu hữu cơ luôn thiếu.
Khi giá tiêu ở Bình Phước ở mức 80.000 - 84.500 đồng/kg, ông Phương Thành Trận ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước) cho biết đã bán tiêu cho công ty gia vị Nedspice với giá 93.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha. Với diện tích trồng gần 10ha, mỗi năm thu về gần 1 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Bình Phước có 65 câu lạc bộ với tổng diện tích gần 2.000ha hồ tiêu được các nông hộ liên kết với công ty gia vị Nedspice phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn R.A hoặc Organic. Riêng Công ty gia vị Nedspice mỗi năm cần đến 10.000 tấn tiêu sạch và tiêu hữu cơ. Nhưng trên thực tế, năng lực sản xuất của các câu lạc bộ chỉ đáp ứng được 4.000 tấn/năm.
Theo Dân Việt, chia sẻ về kết quả kinh doanh năm 2021, ông Phan Minh Thông - sáng lập và Chủ tịch Phúc Sinh - đơn vị được cho là "ông lớn" trong ngành hồ tiêu Việt Nam - cho biết, so với những ngành hàng khác, may mắn đối với Phúc Sinh và một số doanh nghiệp sản xuất là chưa nghỉ ngày nào vì Covid-19.
Phúc Sinh vẫn sản xuất bình thường và kết quả còn tích cực hơn cả năm 2020, bất chấp Covid-19 và giá nguyên vật liệu leo thang. CEO Phúc Sinh cho rằng Covid-19 tác động đến cả thế giới, tuy nhiên, với những doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ càng, đầu tư vững chắc ngay từ đầu thì sẽ có nhiều cơ hội để vượt qua dịch.
Trước tình hình giá nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh, ông Thông cho hay, doanh nghiệp vẫn có thể linh động nhờ nguồn nguyên liệu đa dạng từ các nước như Indonesia, Brazil. Vị này nhận định, ngành nông nghiệp phải đầu tư vào chiều sâu, xây dựng nhà máy để chế biến.
Khi mùa vụ tăng thì có thể chế biến. Xây dựng nhà máy rất quan trọng, đi sâu vào chế biến sẽ có nhiều cơ hội hơn cho nông nghiệp
Thay vì xuất thô, Phúc Sinh tập trung xây dựng nhiều nhà máy để tạo lợi thế cạnh tranh trong chế biến, nâng giá trị nông sản xuất khẩu. Hai năm qua cho thấy cách thức này đã giúp Phúc Sinh không bị ảnh hưởng bởi nguồn cung đầu vào, các đối tác thông cảm và sự uy tín giúp họ vượt qua đại dịch với mức tăng trưởng rất tích cực.