📞

Giá tiêu hôm nay 2/12, nỗi lo thị trường nhập khẩu lớn nhất lại ‘đóng cửa’; ngược xu hướng thế giới, diện tích hồ tiêu Việt Nam giảm

Hải An 06:06 | 02/12/2022
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 60.000 – 63.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay 2/12, nỗi lo thị trường nhập khẩu lớn nhất lại ‘đóng cửa’; ngược xu hướng thế giới, diện tích hồ tiêu Việt Nam giảm. (Nguồn: Haprosimex)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 60.000 – 63.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 60.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (61.000 đ/kg); Bình Phước (62.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 63.000 đ/kg.

Như vậy, tổng kết tháng 11/2022, thị trường ghi nhận một số thông tin tích cực ủng hộ đà tăng của giá tiêu như: Số liệu xuất khẩu khả quan; lượng hàng nhập từ Trung Quốc tăng; đồng USD suy yếu trước thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm đà tăng lãi suất.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 11 vừa qua, có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: Cà phê đạt trên 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%); cao su trên 2,9 tỷ USD (tăng 3%); gạo trên 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%); hồ tiêu 895 triệu USD (tăng 3,2%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,2 tỷ USD (tăng 16,4%)...

Như vậy, có thể thấy mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm 2022 chắc chắn sẽ không đạt được, nhưng với đà tăng của xuất khẩu thời gian qua giúp hy vọng giá tiêu hồi phục trước thời điểm vụ thu hoạch mới tươi sáng hơn.

Tuy nhiên đến cuối tháng, thông tin tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc dấy lên nỗi lo lắng thị trường nhập tiêu hàng đầu với hơn tỷ dân này sẽ "đóng cửa" trở lại.

Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), diện tích trồng tiêu toàn cầu có xu hướng tăng trong 5 năm qua.

Theo đó, tính đến năm 2021, tổng diện tích tiêu của thế giới đạt khoảng 745.000 ha, tăng 42,8% so với 521.700 ha của năm 2017. Trong đó sự gia tăng chủ yếu đến từ Ấn Độ và Indonesia khi cả hai quốc gia này liên tục mở rộng diện tích trồng tiêu tự nhiên trong rừng.

Ngược lại, diện tích trồng tiêu tại Việt Nam - nước sản xuất lớn nhất thế giới, lại thu hẹp đáng kể do giá giảm mạnh.

Ngoài ra, diện tích trồng tiêu ở Việt Nam giảm còn do ảnh hưởng của dịch bệnh và biến đổi khí hậu với diện tích sản xuất giảm từ 152.000 ha năm 2017 xuống chỉ còn 130.000 ha năm 2021, tương ứng với mức giảm 14,4%.

(tổng hợp)