📞

Giá tiêu hôm nay 21/5, chinh phục khách trên ‘sân nhà’, xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam 'nằm ở cái gốc'

Hải An 05:12 | 21/05/2022
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 73.000 – 76.500 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay 21/5, chinh phục khách trên ‘sân nhà’, xây dựng thương hiệu hồ tiêu Việt Nam 'nằm ở cái gốc'. (Nguồn: Nature Bring)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 73.000 – 76.500 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 73.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (73.500 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (74.500 đ/kg); Bình Phước (75.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 76.500 đ/kg.

Đầu tuần này, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế cũng điều chỉnh giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm 50 USD/tấn, tương ứng tiêu trắng xuất khẩu 5.900 USD/tấn, tiêu đen xuất khẩu 500g/l là 3.900 USD/tấn. So với đầu tháng giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tới 90 USD/tấn.

Xuất khẩu hạt tiêu 4 tháng đầu năm 2022 đạt tổng cộng 77.810 tấn tiêu các loại, giảm 15.747 tấn, tức giảm 16,83 % so với khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021.

Trước tình cảnh trên, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng đầu tư hàng hóa thị trường nội địa, tránh bớt rủi ro. Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu (Đắk Song, Đắk Nông) đang tập trung sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, nâng cao về chất lượng để phù hợp với người tiêu dùng trong nước.

Trước đây, công ty dành phần lớn sự đầu tư cho các sản phẩm tiêu xuất khẩu. Còn năm nay đã làm mới, đa dạng các sản phẩm nhằm tiếp cận thêm thị trường trong nước. Trong đó, nhiều sản phẩm mới được ra mắt trong đầu năm nay như tương ớt, tiêu xay, tiêu bột, ớt xay, gia vị, sốt lẩu, sốt thịt nướng… đều phục vụ thị trường nội địa.

Thông tin trên Thoibaonganhang, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khẳng định: “Chúng ta đã có chiến lược phát triển cho từng mặt hàng chủ lực, đặc biệt với hồ tiêu - mặt hàng xuất khẩu tỷ USD và là nguồn thu kinh tế chính của nhiều địa phương. Tuy nhiên, cần có chiến lược phát triển lâu dài cho cây tiêu, tạo nhận thức cho người tiêu dùng về sản phẩm tiêu Việt Nam, tạo uy tín.

Do đó, các bộ, ngành có liên quan mà chủ chốt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên có liên kết ngành hàng, liên kết chặt chẽ hơn để đảm bảo khả năng cung cấp, duy trì bền vững nguyên liệu vì rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh. Công tác thống kê, cập nhật yếu tố mùa vụ có hại cho ngành tiêu cũng cần được quan tâm.

Đặc biệt, cây tiêu là sinh kế của rất nhiều nông dân, đóng góp chính vào nguồn thu cho nhiều địa phương nên cần tuyên truyền để địa phương hiểu và coi phát triển ngành tiêu là nhiệm vụ của mình.

Khả năng mở rộng liên kết tùy thuộc vào khả năng tài chính và năng lực xuất khẩu của từng doanh nghiệp. Khó khăn ở đây là doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn để đủ sức bao quát vùng nguyên liệu từ khâu trồng, sản xuất cho đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp nào nguồn vốn mỏng nên chờ thêm các đơn hàng mới, nguồn lực tài chính dày hơn thì mở rộng từ từ chứ không thể trong "một chốc một lát".

Ngoài ra, xây dựng thương hiệu hạt tiêu Việt Nam phải nằm ở cái gốc, đó là chất lượng sản phẩm. Những thông tin về sản xuất bền vững cần được chuyển tải thành thông điệp, clip… và quảng bá rộng rãi.

Doanh nghiệp, ngành hàng cần mang thương hiệu đến các hội thảo, sự kiện để khách hàng quốc tế có nhận thức về sản phẩm tiêu Việt Nam. Để xây dựng được thương hiệu hạt tiêu mang tầm quốc tế, chúng ta cần ít nhất 3-5 năm.

(tổng hợp)