Giá tiêu hôm nay 21/6: Tiếp tục tăng, cao nhất 74.500đ/kg. |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 21/6, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 42300 Rupee/tạ (cao nhất), 41.388,9 Rupee/tạ (thấp nhất), tăng nhẹ so với phiên hôm qua.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 17-23/6/2021 là 315,27 VND/INR.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 71.000 – 74.500 đ/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 71.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (71.500đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (72.500 đ/kg); Bình Phước (73.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 74.500 đ/kg.
Hiện nay, các địa phương đang vào vụ xuống giống trồng cây hồ tiêu. Theo Lao Động, huyện Chư Sê là “thủ phủ” trồng hồ tiêu của tỉnh Gia Lai với tổng diện tích gần 3.000ha, sản lượng trên 11.000 tấn/năm. Những ngày này, đi dọc Quốc lộ 14, dễ dàng thấy cảnh thương lái bày bán cột trồng tiêu, giống tiêu khắp nơi.
Từ tháng 4-6 năm nay, giá tiêu tăng liên tục, hiện giá trung bình trên 70.000/kg đã thôi thúc người nông dân gầy dựng lại cây hồ tiêu. Vụ mùa thu hoạch năm nay hầu như các chủ vườn tiêu đều có lời. Nay người dân muốn đầu tư trồng lại vườn tiêu sau nhiều năm bỏ bê.
Tuy vậy, nguồn tài chính của người nông dân vốn đã kiệt quệ sau thời gian tiêu mất mùa, rớt giá. Tình cảnh đổ nợ, trả tiền vay vốn ngân hàng cũng khiến nhiều nông dân còn dè chừng, lo ngại để bắt tay trồng lại hồ tiêu.
Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần có thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về diện tích sản xuất của Việt Nam và thế giới cũng như các khâu chế biến lưu thông tiêu thụ, đề từ đó có các thông tin chính thống giúp cho các thành phần trong ngành hàng biết được để có chiến lược phát triển phù hợp.
Đối với việc sản xuất hồ tiêu của từng hộ gia đình thì cần có đủ 2 điều kiện cơ bản gồm: Kiến thức về trồng hồ tiêu và nắm bắt thị trường kịp thời của ngành hàng hồ tiêu và khả năng đầu tư, chăm sóc hồ tiêu để trồng mới vườn tiêu cũng như tiếp tục chăm sóc vườn tiêu hiện có.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê khuyến nghị các chủ vườn không tái canh trên vườn tiêu cũ đã chết; chọn đất phù hợp với sự phát triển của cây hồ tiêu; chọn giống tốt; trồng xen canh hơn là trồng thuần; nên trồng tiêu trên cây trụ sống; đắp mô ở gốc không nên tạo bồn.
Đặc biệt, các chủ vườn nên để cỏ trong vườn tiêu, không nên làm sạch cỏ; sử dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc hoặc tưới nhỏ giọt; chăm bón vườn tiêu theo hướng hữu cơ sinh học để vườn tiêu phát triển bền vững và ít bị sâu bệnh hại.