Giá tiêu hôm nay 22/10, quay đầu giảm mạnh, không khí ‘u ám’ bao trùm, lo thị trường tiếp tục ‘thủng’. (Nguồn: Pixabay) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giảm mạnh tại một số địa phương, giao dịch từ 57.500 – 60.000 đ/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 57.500 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (58.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (58.500 đ/kg); Bình Phước (59.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 60.000 đ/kg.
Như vậy, tại thị trường trong nước, sau 2 phiên đi ngang, giá tiêu quay đầu giảm tới 1.000 đồng/kg ở hầu hết các địa phương trọng điểm.
Trên thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm giá tiêu xuất khẩu của Indonesia, giữ nguyên tại những quốc gia khác. Thị trường tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đồng USD quá cao.
Trên các diễn đàn, hội nhóm những người làm hồ tiêu, không khí "u ám" bao trùm. Những người lạc quan nhất cũng chỉ mong thị trường giữ được ở mức 60.000 đồng/kg, không bị thủng quá sâu.
Tuy nhiên với dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn 2 lần tăng lãi suất (tháng 11/2022 và đầu năm 2023), xuất khẩu cuối năm trì trệ, lượng tiêu dự trữ dồi dào, cộng với Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch mới thì đã có dự đoán thị trường xuống tới 50.000 đồng/kg.
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50-60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu đang đứng trước những thách thức lớn, trong đó có thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu đang ngày càng cao hơn của các thị trường.
Dự báo trong ngắn hạn, giá hồ tiêu thế giới tiếp tục giảm do đồng USD tăng mạnh. Nhu cầu tiêu thụ yếu cũng được coi là yếu tố kìm hãm sự phục hồi của giá hạt tiêu những tháng tiếp theo, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu - vốn là hai thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất thế giới.
Theo Peppertrade, đầu tháng 10, Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) đã gửi một lá thư chỉ thị cho các thành viên, nêu rõ rằng Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng cường các quy định về hạt tiêu có xuất xứ từ Brazil.
Ban Thư ký ESA đã được Ủy ban EU thông báo rằng, do tỷ lệ phát hiện salmonella cao trong các biện pháp kiểm soát nhập khẩu tiêu đen nguyên hạt từ Brazil, việc thắt chặt các biện pháp hiện tại đã được thảo luận.
Các bước tiếp theo sẽ là tăng tần suất kiểm soát hơn nữa và cuối cùng là lệnh cấm nhập khẩu hạt tiêu đen từ Brazil trong vòng những tháng tới nếu không có phản ứng thích đáng từ các nhà chức trách Brazil. Ủy ban sẽ thông báo cho các nhà chức trách Brazil về khả năng thắt chặt các biện pháp này trong những tuần tới.