Ngân hàng tiên phong
Đầu năm 2018, ngay tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh đã thông báo, từ ngày 10/1/2018, Agribank giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn ngắn hạn, trung, dài hạn. Quyết định trên đã nhận được đánh giá tích cực của Lãnh đạo Chính phủ và NHNN. Trong phát biểu của mình, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: Tôi hoan nghênh Agribank đã giảm lãi suất ngắn hạn, trung dài hạn cho đối tượng Thông tư 39 và là Ngân hàng đi tiên phong thực hiện Nghị quyết 01.
Nhìn lại năm qua, Chủ tịch HĐTV Trịnh Ngọc Khánh đánh giá, năm 2017 là năm Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện đặc biệt cho sự phát triển ổn định và bền vững của ngành Ngân hàng nói chung và các NHTM nói riêng. Nhiều chủ trương chính sách lớn được ban hành ngay từ ngày đầu tiên của năm mới: Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ, Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 10/1/2017 của Thống đốc NHNN đã định hướng rất cụ thể cho các TCTD hoạch định mục tiêu và chương trình kế hoạch của mình.
Nhờ chính sách phù hợp của Chính phủ, các giải pháp chủ động và linh hoạt trong điều hành CSTT của NHNN, hoạt động của các TCTD về cơ bản đã an toàn, hiệu quả hơn, chất lượng tín dụng được nâng lên, nguồn vốn tín dụng đã tập trung cho lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao… Kết quả kinh doanh năm 2017 của các NHTM thực sự khởi sắc đã phản ánh rõ nét những tác động tích cực từ chính sách vĩ mô.
Kết thúc năm 2017, Agribank đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh được NHNN giao so với năm 2016. Tổng tài sản tăng 15%, đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn huy động tăng 15%, đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, chủ yếu là vốn huy động từ dân cư. Nguồn vốn huy động tốt là cơ sở bền vững để Agribank mở rộng tín dụng. Đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 17,6%, đạt gần 900 ngàn tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 650 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6% dư nợ. Đi đôi với mở rộng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đảm bảo chất lượng.
Trong năm 2017, Agribank đã áp dụng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng; đơn giản hóa quy trình thủ tục cho vay. Đặc biệt, Agribank đã triển khai thí điểm mô hình đưa Ngân hàng lưu động xuống phục vụ tại các xã vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nông dân được tiếp cận vốn, dịch vụ Ngân hàng tốt hơn.
Agribank đã triển khai 3 gói tín dụng lãi suất thấp hơn lãi suất điều vốn nội bộ hỗ trợ cho khách hàng trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với 2.200 khách hàng, số tiền trên 600 tỷ đồng…
Mặc dù thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất, nhưng với cơ cấu doanh thu bền vững nên lợi nhuận Agribank vẫn tiếp tục tăng trưởng. Lợi nhuận trước thuế của Agribank tăng 20%, đạt 5.018 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Agribank đã chủ động hơn trong xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo. Trong quá trình triển khai, Agribank nhận được nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ của các ngành, các cấp và đặc biệt với nguyên tắc “ưu tiên bảo vệ quyền chủ nợ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính, khắc phục hậu quả dân sự trước khi áp dụng các biện pháp xử lý hình sự”.
Agribank đã mạnh dạn, chủ động thực hiện tổng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ xấu đến thời điểm 15/8/2017; miễn, giảm lãi tồn đọng theo thời hạn trả nợ gốc để khuyến khích khách hàng tìm mọi nguồn thu trả nợ Ngân hàng, khôi phục sản xuất kinh doanh.
“Với sự hỗ trợ của NHNN và các bộ, ban, ngành, sự quyết tâm của Agribank, việc triển khai Nghị quyết 42 tại Agribank đã mang lại nhiều kết quả ngoài mong đợi”, Chủ tịch HĐTV Trịnh Ngọc Khánh bày tỏ. Được biết, từ ngày 15/8-31/12/2017, thu hồi và xử lý nợ của Agribank theo Nghị quyết 42 là 23.038 tỷ đồng, chiếm 55%/tổng số nợ được xử lý, thu hồi của năm 2017, ngân hàng chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho 254.308 khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro.
Để tái tạo nguồn tài chính cho xử lý nợ, Agribank đã và sẽ tập trung mọi nguồn lực về tài chính, quyết liệt áp dụng các biện pháp thu hồi nợ. Trong năm 2017, Agribank thu hồi được gần 12.000 tỷ đồng từ nợ đã bán và đã xử lý rủi ro, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro trong năm là 19.715 tỷ đồng. Nâng tổng nguồn dự phòng rủi ro hiện còn lên 34.772 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐTV Trịnh Ngọc Khánh cùng bày tỏ hy vọng: “Với tốc độ, tình hình triển khai xử lý nợ xấu thuận lợi như trên, khả năng mua lại toàn bộ số nợ đã bán cho VAMC trước thời hạn quy định của Chính phủ và NHNN là khả thi”.
Bước sang giai đoạn tăng trưởng mới
Năm 2017 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực của Agribank trong phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ (SPDV), phát triển mạnh các SPDV ngân hàng điện tử, đa dạng hóa các kênh cung ứng SPDV, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Triển khai Đề án chiến lược phát triển dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020, Agribank chính thức thành lập Trung tâm chăm sóc, hỗ trợ khách hàng nhằm đưa hoạt động này theo hướng chuyên nghiệp hóa, hướng tới chuẩn mực của Ngân hàng hiện đại. Toàn hệ thống Agribank có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, kết quả, 7/8 nhóm SPDV duy trì đà tăng trưởng, đưa doanh thu dịch vụ toàn hệ thống tăng 24%, vượt kế hoạch đề ra.
Nâng cao uy tín và vị thế của NHTM Nhà nước lớn nhất cả nước, năm 2017 tiếp tục đánh dấu sự nỗ lực của Agribank trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hoạt động đối ngoại để nâng cao vị thế và uy tín thương hiệu theo hướng NHTM hiện đại. Agribank tiếp tục là thành viên chủ động, tích cực trong quan hệ song phương, đa phương tại các diễn đàn quốc tế lớn, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước, Chính phủ, qua đó mở ra nhiều cơ hội để Agribank tiếp xúc, tìm hiểu, tăng cường kết nối, sẵn sàng hội nhập, tạo các tiền đề tiếp tục mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Trong năm, Agribank đã ký kết 109 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận với các đối tác nước ngoài, ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều đối tác lớn trong nước, tạo cơ sở khai thác cơ hội kinh doanh và dư địa cung ứng SPDV. Agribank tiếp nhận, triển khai mới 04 dự án ngân hàng phục vụ với tổng giá trị 325 triệu USD. Lũy kế đến cuối 2017, Agribank đang triển khai 26 dự án tín dụng quốc tế với tổng hạn mức tương đương trên 13.000 tỷ đồng; 147 dự án ngân hàng phục vụ với tổng giá trị 7,3 tỷ USD.
Với sự quyết tâm đồng thuận, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức từ Ban lãnh đạo cùng gần 40.000 cán bộ, nhân viên tại hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trong toàn hệ thống trong triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, Agribank tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu các NHTM trong Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017(VNR500), đứng thứ 6 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và đứng thứ nhất trong số các NHTM Việt Nam theo Bảng xếp hạng của VNR 500 dựa trên các tiêu chí về doanh thu, lợi nhuận, quy mô tài sản, nguồn nhân lực và uy tín truyền thông của doanh nghiệp. Agribank đạt nhiều giải thưởng khác năm 2017 như: Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín, Giải thưởng Sao Khuê, Giải thưởng Ngân hàng vì Cộng đồng… Hình ảnh, uy tín thương hiệu Agribank tiếp tục xuất hiện, đồng hành cùng các sự kiện, chương trình ý nghĩa quốc gia, quốc tế, góp phần định vị hình ảnh, thương hiệu Agribank - Ngân hàng vì “Tam nông”, Agribank - Ngân hàng bán lẻ, Agribank - Ngân hàng vì cộng đồng và sẵn sàng chuyển mình thích nghi với xu thế hội nhập.
Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, năm 2018, toàn hệ thống Agribank nỗ lực quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ với mục tiêu trọng tâm được đề ra là tiếp tục củng cố, ổn định và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh; giải quyết dứt điểm các bất cập, tồn tại; tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng “Tam nông”; khôi phục vị thế hoạt động tại khu vực thành thị; kiểm soát tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Agribank chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại; nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định của Việt Nam và quốc tế; quyết liệt triển khai kế hoạch cổ phần hóa Agribank theo Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ...
Kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 với mức tăng đều cho cả 8 nhóm SPDV với tỷ lệ thu dịch vụ tăng 25,6% so với cùng kỳ tiếp tục thể hiện sự cố gắng, quyết tâm của toàn thống Agribank. Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được đã minh chứng hoạt động kinh doanh của Agribank thực sự bước sang giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới, sẵn sàng cổ phần hóa theo lộ trình đã đề ra.