TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ Nguyễn Phú Bình: Hồi ức về một thời đáng nhớ | |
Đại sứ Nguyễn Phú Bình nhận Huân chương Mặt trời mọc |
Tôi đến Tokyo ngày 29/1/2008, bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ. Sau khi sắp xếp phòng ở, tôi sang phòng làm việc và thấy một số công văn, giấy tờ trên bàn. Tôi mở một phong bì gửi đích danh cho tôi, đó là lời mời dự Hội thảo về kinh tế, tổ chức vào 22/1. Như vậy là Hội thảo đã diễn ra trước đó đúng 1 tuần! Tôi đưa giấy mời cho thư ký và dặn viết thư hoặc điện thoại cảm ơn họ đã mời nhưng rất tiếc không dự được do khi đó Đại sứ chưa đến. Thư ký xem giấy mời và bảo: Chú ơi, Hội thảo tổ chức 22/1 sang năm cơ!
Thật bất ngờ, có lẽ chỉ có các Hội nghị cấp quốc gia hoặc quốc tế mới có thể lên chương trình sớm như vậy. Sau này, vào năm 2010, Giáo sư Natsume - Chủ tịch Hội phẫu thuật hở môi, hàm ếch Nhật Bản, người suốt 25 năm qua, vẫn thực hiện các chuyến đi mổ từ thiện ở Việt Nam, thông báo cho tôi kế hoạch tổ chức Hội thảo quốc tế về mổ hở môi, hàm ếch tại Hà Nội vào giữa năm 2012. Gần hai năm sau, ông sang chủ trì Hội nghị vào đúng ngày đã định và thăm tôi khi vừa kết thúc nhiệm kỳ ở Nhật Bản.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình (thứ 2 từ trái, hàng ngồi) nhận Huân chương Mặt trời mọc của Nhật Bản, tháng 1/2018. (Nguồn: ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam) |
Tiết kiệm như người Nhật
Ở Nhật Bản, ngoài luật pháp ra, các quy định cũng được tuân thủ hết sức nghiêm túc. Vào đầu mùa hè năm đầu tiên của nhiệm kỳ, tôi đến làm việc với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Vào sảnh, tôi thấy một trong ba thang máy không hoạt động với tấm biển “Tháng tiết kiệm điện, không dùng thang máy này”. Vào phòng làm việc, thấy cửa sổ mở, không khí có phần oi bức. Ông Thứ trưởng xin lỗi vì tháng Sáu là đầu hè, các cơ quan chính phủ chưa được dùng điều hoà nhiệt độ. Mùa hè năm đó, tôi dẫn một đoàn Ủy ban Kinh tế Quốc hội ta đến chào Nghị sỹ Takebe, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật - Việt. Đón chúng tôi ở cửa phòng khách, ông tỏ áy náy: xin lỗi vì tôi không dặn trước, theo quy định của Quốc hội, điều hoà nhiệt độ không được để thấp hơn 28 độ. Sau đó ít lâu, khi Lãnh đạo Bộ Tài chính ta sang ký Hiệp định về ODA với Cơ quan hợp tác quốc tế JICA, sau khi ký, ông Phó Chủ tịch JICA tươi cười cầm ly cà phê, đề nghị chạm cốc chúc mừng Lễ ký kết và một câu xin lỗi: theo quy định mới của JICA, từ nay, không được mở sâm banh trong các Lễ ký kết.
Vào năm 2010, cùng năm với Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, thành phố Nara cũng được UNESCO quyết định 1.300 năm trở thành kinh đô của Nhật Bản. Tôi cùng Đoàn ngoại giao được mời đến dự Lễ kỷ niệm trọng thể với sự tham dự của Nhật Hoàng và Hoàng hậu, Thủ tướng và toàn thể Nội các cùng các nhân vật quan trọng nhất, các vị khách quý được mời dự Chiêu đãi trọng thể. Còn chi phí máy bay hoặc đi tàu, ăn ở tại khách sạn do khách tự chi trả. Nhật Bản là cường quốc kinh tế thế giới có GDP gấp khoảng 25 lần GDP của Việt Nam. Nhưng họ lại có những quy định hết sức chặt chẽ về chi tiêu công, tiết kiệm năng lượng và điều quan trọng là sự chấp hành rất nghiêm túc những quy định đó. Điều này khiến chúng ta, công dân của một nước đang phát triển, đang phấn đấu để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, nhất là những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước phải suy nghĩ.
Người Nhật Bản có tập quán tặng và nhận quà. Nhưng, các món quà thường rất nhẹ nhàng, chẳng hạn một đôi cốc gốm sứ, bánh kẹo, đặc sản địa phương, một cái khăn có hoạ tiết đặc trưng của quê hương, một bức tranh nhỏ, một cuốn sách... được gói rất cẩn thận, lịch sự mang tính văn hoá nhiều hơn là giá trị tính bằng tiền. Cả người nhận quà và người tặng quà đều cảm thấy thoải mái, không bao giờ phải băn khoăn về món quà đó. Tôi nhớ lại lời Đại sứ Sakaba tâm sự khi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam. Ông rất yêu quý và cảm nhận được tình cảm chân tình của người Việt Nam, từ người dân đến các vị lãnh đạo các cấp. Nhưng ông rất băn khoăn khi nhận được các món quà lớn, cả về kích thước và giá trị, vì ông không được phép sử dụng các món quà có giá trị vượt mức quy định và cũng phiền toái trong việc mang về nước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Có một nguyên tắc rất quan trọng trong giao tiếp và đời sống hàng ngày ở Nhật, đó là giữ đúng giờ và tiết kiệm thời gian. Họ coi đây vừa là văn hóa, vừa thể hiện lòng tin với nhau. Các bạn Nhật bảo văn hóa về giờ giấc hình thành từ khi Tàu tốc độ cao Shinkansen đi vào hoạt động (1964) chính xác đến từng phút, sai giờ được tính bằng giây. Vì vậy, người dự sự kiện hay họp mặt bao giờ cũng phải đến sớm 15-20 phút, hầu như không có ai đến muộn.
Tôi đã dự nhiều cuộc tiếp xúc ở Nhật và nhận thấy thời gian tiếp khách của phía bạn, từ Thủ tướng đến Bộ trưởng hay các cấp khác thời gian tiếp khách không quá 30 phút, Hội đàm cấp cao cũng chỉ 45 phút. Phát biểu của phía bạn bao giờ cũng được chuẩn bị bằng giấy để giữ đúng thời gian và nội dung không vượt ra ngoài phương án được chuẩn bị sẵn. Đặc biệt, trong chiêu đãi hoặc bữa cơm thân mật, bạn không bao giờ dùng đồ uống có cồn vào bữa trưa vì ảnh hưởng đến làm việc buổi chiều. Bữa tối cũng thường chỉ dùng bia để nâng cốc và sau đó là sake, một loại rượu nhẹ, chỉ hơn bia vài độ, hầu như không có rượu mạnh.
Lòng trung thực và ý thức tự giác
Anh em trong cơ quan chúng tôi còn nhớ mãi câu chuyện một người phụ nữ đứng tuổi tìm một cháu bé con một cán bộ Đại sứ quán. Cháu đi xe đạp qua cổng nhà bà, thấy con chó đẹp nên ghé vào chơi với chó và không may bị chó cắn. Khi bà phát hiện ra thì cháu hoảng sợ, đạp xe chạy về phía khu nhà ở của Đại sứ quán. Bà đã cùng chồng đến Đại sứ quán nhiều lần, tìm bằng được phụ huynh cháu bé và thu xếp đưa cháu đi bệnh viện tiêm phòng mặc dù sổ tiêm phòng định kỳ cho thú cưng của bà xác nhận bà vẫn đưa chó tiêm phòng dại đều đặn.
Tôi cũng đã có dịp đi một chuyến “tàu chợ” bán cả vé đứng (khi hết vé ngồi) từ Tokyo đến thành phố Mito, tỉnh Ibaraki. Điều hết sức ngạc nhiên là chỗ trống còn nhiều nhưng những người mua vé đứng vẫn không chịu ngồi vào chỗ trống, chỉ vì giữ nguyên tắc “cái gì không phải của mình thì không dùng”. Từ đó, tôi mới hiểu ra vì sao ở nước này không thấy có xô xát, cãi cọ, không thấy có việc chen hàng ở nơi công cộng. Vì ai cũng biết kiềm chế, nhường nhịn lẫn nhau. Đặc biệt, hầu như không có trộm cắp, lưu manh và nếu lỡ bỏ quên đồ ở trên tàu hoặc các nơi công cộng hầu như đều tìm lại được. Trên tất cả, mọi người đều có lòng tự trọng, tôn trọng người khác, tôn trọng luật pháp.
Sức mạnh của niềm tin
Là một quốc đảo lại nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình dương”, hàng năm, Nhật Bản phải hứng chịu rất nhiều thiên tai như bão, lũ, núi lửa, động đất... Sau này, có nhiều dịp đi thăm vùng bị nạn, chứng kiến hậu quả kinh hoàng của trận động đất, sóng thần khủng khiếp ấy, tôi không chỉ ngưỡng mộ ý chí và sức mạnh kiên cường của người dân Nhật, mà còn hết sức khâm phục ý thức và cách thức mà người Nhật luôn sẵn sàng đương đầu với thiên tai.
Trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ, chính tôi và nhân dân Việt Nam phải chịu ơn đất nước và nhân dân Nhật Bản đã hỗ trợ, cưu mang hàng nghìn công dân sinh viên và lao động Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt định cư ở vùng thảm hoạ tuyệt đối an toàn và giúp họ ổn định đời sống giữa thời điểm đầy thử thách như vậy. Đồng thời, chúng tôi đã nhận được sức mạnh và niềm tin từ nhân dân Nhật, giống như mấy chục năm trước đây cuộc kháng chiến vì độc lập tự do cho bao nhiêu dân tộc khác. Điều mà chúng tôi thấy tự hào và không bao giờ quên là đã được chia sẻ với người dân Nhật những nỗi âu lo và cả niềm tin trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy.
Riêng đối với tôi, Đại sứ Umeda - người bẩy năm trước là Vụ trưởng Vụ Đông Nam và Tây Nam Á Bộ Ngoại giao, luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi về những gì ông đã hỗ trợ cho Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam trong lúc khó khăn. Giờ đây, với cương vị Đại sứ tại Việt Nam vào thời điểm kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ông là một người bạn thân tình, tiêu biểu cho mối quan hệ thủy chung giữa hai nước, chia sẻ với nhau cả hoạn nạn và vinh quang.
ĐẠI SỨ NGUYỄN PHÚ BÌNH
Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản,
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản
Việt Nam – Nhật Bản: Mối quan hệ chân thành và tin cậy Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cho rằng, tình hữu nghị, chân thành và độ tin cậy cao về ... |
Thành công của Nhật Bản là bài học cho Việt Nam Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông) của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều ... |
“Đại sứ Xoài, Thanh Long” kể chuyện... “Tôi muốn bổ sung thêm hai chữ “đoàn kết”, yếu tố đã góp phần vào những thành công chung mà ngành Ngoại giao đã làm ... |