Giá tiêu hôm nay 22/7/2024: Giá tăng gấp đôi cùng kỳ nhưng người dân vẫn dè dặt mở rộng diện tích. (Nguồn: Black Pepper Plant) |
Giá tiêu hôm nay 22/7/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch ở mốc 145.000 – 146.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 145.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (145.000 đồng/kg); Đắk Lắk (146.000 đồng/kg); Đắk Nông (146.000 đồng/kg); Bà Rịa - Vũng Tàu (145.000 đồng/kg) và Bình Phước (145.000 đồng/kg).
Như vậy, giá tiêu trong nước hôm nay giảm nhẹ ở Đắk Lắk, Đắk Nông, mức giảm 1.000 đồng/kg, trong khi đi ngang tại các địa phương trọng điểm khác. Giá tiêu cao nhất ở mốc 146.000 đồng/kg.
Tính đến hết năm 2023, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh Ðắk Nông đạt 33.789 ha, sản lượng đạt 70.685 tấn, tăng 28.458 tấn so với 2018. Hiện Ðắk Nông đứng thứ nhất ở khu vực Tây Nguyên và cả nước về diện tích trồng hồ tiêu, sản lượng đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Ðắk Lắk).
Đắk Nông sẽ duy trì diện tích trồng hồ tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 34 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 52 nghìn tấn và năm 2030 diện tích đạt khoảng 33,6 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 60 nghìn tấn; hình thành và phát triển 4 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung với diện tích 3.049 ha tại các vùng trọng điểm sản xuất hồ tiêu của tỉnh.
Dù giá tiêu đang ở mức cao nhưng các địa phương, và ngay cả người dân hiện cũng rất thận trọng trong việc mở rộng diện tích trồng hồ tiêu. Nguyên nhân một phần do giá trị của hồ tiêu không còn cao bằng những loại cây trồng khác. Từ lâu hồ tiêu không còn được coi là "vàng đen".
Tại Đông Nam Bộ, Đồng Nai là một trong những tỉnh trồng hồ tiêu lớn với khoảng 11.000 ha. Năm 2018, diện tích hồ tiêu của tỉnh Đồng Nai đạt 19.000 ha. Nhiều năm giá tiêu ở mức thấp khiến tỉnh này mất đi 8.000 ha trồng tiêu để chuyển sang những loại cây trồng có giá trị cao hơn. Năm nay, mặc dù mức giá tăng gấp đôi nhưng người dân vẫn dè dặt mở rộng diện tích.
Định hướng chung của ngành là sản xuất hồ tiêu sạch theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Xuất khẩu hồ tiêu của Brazil đạt mức cao kỷ lục 92.065 tấn vào năm 2021, nhưng sau đó giảm xuống còn 86.359 tấn năm 2022 và 80.725 tấn năm 2023.
Sản lượng giảm từ Brazil và Việt Nam, hai quốc gia sản xuất hồ tiêu hàng đầu thế giới đã đẩy giá tiêu thế giới liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Một số chuyên gia nhận định dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu sẽ được thị trường tiếp tục ghi nhận và phản ánh trong thời gian tới cho đến khi giáp hạt.
Trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và tắc nghẽn cảng ở châu Á cũng tác động đến giá cả ở các thị trường nhập khẩu, và có thể gây ra sự chậm trễ vận chuyển. Điều này khiến giá tăng trong trung và dài hạn.