📞

Giá tiêu hôm nay 27/3, đi ngang, thị trường khó đoán định, lý do tiêu Campuchia năng suất hơn tiêu Việt

Hải An 05:12 | 27/03/2022
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 77.500 – 80.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay 27/3, đi ngang, thị trường khó đoán định, lý do tiêu Campuchia năng suất hơn tiêu Việt. (Nguồn: Borneo Talk)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 77.500 – 80.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 77.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (78.500 đ/kg); Bình Phước (79.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 80.000 đ/kg.

Theo các chuyên gia, thị trường trong nước đang rất khó đoán định, đang kém sôi động dù vụ thu hoạch đã gần kết thúc. Năm nay nông dân và đại lý ôm hàng nhiều, công ty xuất khẩu cũng không bán khống, bán xa nhằm tránh rủi ro. Dù sản lượng dự báo giảm nhưng lượng hàng tồn kho các năm trước vẫn còn.

Bên cạnh đó là thông tin về tình hình đầu cơ của thương lái Trung Quốc, tác động cuộc xung đột Nga-Ukraine và lạm phát tăng cao trên thế giới. Trước tình hình trên có thể giai đoạn đi ngang của giá hồ tiêu sẽ kéo dài, do vậy cần thận trọng khi đi vay tiền để đầu cơ hồ tiêu.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới, trong tuần này thị trường phản ứng trái chiều khi chỉ có giá tiêu Ấn Độ giảm. Giá tiêu Ấn Độ tiếp tục phản ứng tiêu cực, giảm khoảng 50 USD/tấn.

Trong khi đó, giá nội địa và giá quốc tế của Indonesia được báo cáo ít biến động do lượng tồn kho ít. Còn giá trong nước và quốc tế của Malaysia tiếp tục được báo cáo ở mức ổn định.

Cục Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho biết, trong năm 2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của quốc gia này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm, đạt 37.738 tấn, trị giá 166,8 triệu USD, so với năm 2020 giảm 35,4% về lượng, nhưng tăng 4% về trị giá.

Năm 2021, lượng hạt tiêu của Indonesia xuất khẩu sang Việt Nam đạt 8.285 tấn, sang Mỹ đạt 5.294 tấn, sang Trung Quốc đạt 4.908 tấn, giảm lần lượt 60,7%, 20,3% và 56,8% so với năm 2020.

Sau vụ thu hoạch hồ tiêu của Việt Nam là đến Campuchia. Trong khi vụ thu hoạch ở Brazil và Indonesia sẽ bắt đầu vào tháng 5 và tháng 7. Đây là 3 quốc gia xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất vào Việt Nam.

Nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, dù nông dân trồng hồ tiêu của Campuchia ít thâm canh so với nông dân Việt Nam, nhưng năng suất của họ luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/ha, còn năng suất trồng tiêu của Việt Nam chỉ bằng một nửa. Khoảng 95% lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, và 2 nước đang mua hồ tiêu của Campuchia nhiều nhất là Việt Nam và Thái Lan.

GS-TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp phân tích, hồ tiêu tại Campuchia phát triển sau Việt Nam nên nông dân tại đây học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quy trình chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm; sâu bệnh hại không nhiều, do đó cũng hạn chế được việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học.

(tổng hợp)