📞

Giá tiêu hôm nay 28/3: Còn lên xuống bất thường, cao nhất 75.500đ/kg; nghịch lý giá tiêu, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hoàng Nam 05:10 | 28/03/2021
TGVN. Giá tiêu thế giới hôm nay không đổi so với một ngày trước đó, giao dịch ở 37.900 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.000 Rupee/tạ (cao nhất).
Giá tiêu hôm nay 28/3: Còn lên xuống bất thường, cao nhất 75.500đ/kg. (Nguồn: MC)

Cập nhật giá tiêu thế giới

Giá tiêu thế giới hôm nay không đổi so với một ngày trước đó. Ghi nhận lúc 0h15 ngày 28/3 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 37.900 Rupee/tạ (thấp nhất) và 38.000 Rupee/tạ (cao nhất).

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR ngày 26/3 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 317,66 VND/INR.

Giá tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước không đổi so với 1 ngày trước đó, giao dịch ở mức từ 72.000 - 75.500 đồng/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 72.000đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (73.000đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (74.000đ/kg); Bình Phước (74.500đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 75.500 đ/kg.

Sau nhiều năm giá tiêu “chạm đáy”, kèm theo dịch bệnh, thiên tai khiến người trồng tiêu tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn thì đến đầu năm 2021, giá tiêu đang có xu hướng tăng cao. Điều này đem lại sự phấn khởi và kỳ vọng về loại nông sản từng được ví như “vàng đen” sẽ duy trì giá trị và đem lại lợi ích kinh tế cao hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ngay trong thời điểm tiêu tăng giá, người dân và nhà đầu tư cũng cần theo dõi sát biến động của giá tiêu để tránh những rủi ro khi thị trường bất ổn.

Anh Nguyễn An Thạnh, thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin vui mừng chia sẻ: Gia đình anh hiện có 1,5 ha hồ tiêu đang cho thu hoạch, dự kiến vụ tiêu 2021 sẽ thu được khoảng 10 tấn tiêu, chi phí sản xuất cho mỗi ha hồ tiêu khoảng 150 triệu/ha.

Nếu bán ra với mức giá hiện tại từ 75.000 - 80.000 đồng/kg thì vụ tiêu cũng đem lại khoản lợi nhuận khá cho người trồng.

Từ năm 2017 đến nay, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, có thời điểm chỉ còn 30.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu rơi vào khó khăn khi phải tái đầu tư chăm sóc, duy trì sản xuất cho năm sau.

Đến đầu năm 2021, giá tiêu có xu hướng tăng là tín hiệu vui cho người trồng tiêu, vì vậy không riêng gì gia đình anh mà bà con nhân dân của vùng hồ tiêu huyện Cư Kuin cũng rất phấn khởi và kỳ vọng vào một vụ tiêu được mùa, được giá để bù đắp vào khó khăn của các năm trước.

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, giá tiêu chỉ tăng ở vùng nguyên liệu, còn đối với thị trường xuất khẩu thì giá tiêu vẫn chưa tăng tương ứng. Do đó thị trường giá tiêu trong thời gian tới dự báo còn tiềm ẩn rủi ro.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thị trường hồ tiêu đầu năm 2021 có sự biến động bất thường về giá ngay trong thời gian thu hoạch niên vụ 2021. Trong vòng 10 ngày từ 3 - 13/3, giá hồ tiêu tăng từ 56.000 đồng đến 74.000 - 75.000 đồng/kg. Điều đáng nói là, giá hồ tiêu tăng cao trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng. Đây là một nghịch lý.

Giá hồ tiêu tăng nhanh bất thường có các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu 2020, sản lượng của các nước sản xuất hồ tiêu trên thế giới đều giảm; trong đó có Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ và chế biến hồ tiêu trên các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Á đều có chiều hướng tăng nhưng mức tăng chưa cao tương ứng so với giá nguyên liệu tại thị trường Việt Nam hiện tại.

Ngoài các yếu tố khách quan trên thì có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa, gom và trữ hàng.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc đầu cơ, thu gom, trữ hồ tiêu trong thời điểm hiện tại luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giá xuống.

Vì vậy, các nhà đầu tư cần tính toán thị trường một cách hợp lý. Đặc biệt, đối với người nông dân, cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, hiệu quả, không vì giá tăng cao mà thu hoạch hái xanh, vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống.