📞

Giá tiêu hôm nay 29/10/2024: Tiếp đà lao dốc, nhận định yếu tố có thể giúp thị trường không ‘thủng mốc’ quan trọng

H.A 06:06 | 29/10/2024
Giá tiêu hôm nay 29/10/2024 tại thị trường trong nước nối dài đà giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 142.000 – 143.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 29/10/2024: Tiếp đà lao dốc, nhận định yếu tố có thể giúp thị trường không ‘thủng mốc’ quan trọng. (Nguồn: Pixabay)

Giá tiêu hôm nay 29/10/2024 tại thị trường trong nước nối dài đà giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 142.000 – 143.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 142.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (142.000 đồng/kg); Đắk Lắk (143.500 đồng/kg); Đắk Nông (143.500 đồng/kg); Bà Rịa - Vũng Tàu (143.000 đồng/kg) và Bình Phước (142.000 đồng/kg).

Như vậy, tiếp đà đi xuống, giá tiêu trong nước hôm nay giảm mạnh ở một số địa phương vùng trồng trọng điểm, mức giảm 2.000 đồng/kg. Đây là ngày giảm liên tiếp thứ 3 của thị trường. Giá tiêu cao nhất ở mốc 143.500 đồng/kg.

Giá tiêu những phiên đầu tuần này tiếp đà giảm trong bối cảnh dòng tiền đang chuyển dịch sang kinh doanh cà phê. Hiện đầu vụ cà phê và giá mặt hàng này tăng cao gấp đôi năm ngoái. Do vậy, các thương lái, đại lý cần nhiều vốn hơn. Một số lựa chọn bán bớt hồ tiêu trong kho để nhập hàng, trong khi nhu cầu chưa được cải thiện kéo hồ tiêu giảm.

Nhận định về thị trường tuần này, chuyên gia cho hay, đà giảm vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, hoàn lưu mưa lũ sau bão Trà Mi có thể gây ảnh hưởng cho các vườn tiêu, gây ra lo ngại ảnh hưởng sản lượng mùa vụ năm sau. Đây có thể là yếu tố thúc đẩy hoặc chí ít giúp cân bằng thị trường, để không giảm thủng mốc quan trọng 140.000 đồng/kg.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, năm 2024 ghi nhận sự đột phá trong xuất khẩu sang thị trường trong khối thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhờ vào lợi thế từ các hiệp định FTA.

Thị trường tiêu toàn cầu đã có những biến động vào tuần trước, với nhu cầu tăng lên ở các thị trường lớn như Mỹ, EU và châu Á, trong khi Trung Đông và Trung Quốc vẫn trầm lắng. Mức tồn kho đã giảm đáng kể, khiến nông dân và các đại lý hạn chế bán ra khi giá tiêu giảm nhẹ.

Tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn đang tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu trên toàn cầu. Lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu như hạt tiêu.

Trong ngắn hạn, thị trường hạt tiêu dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều biến động. Giá hạt tiêu có thể sẽ duy trì ở mức ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung vẫn còn hạn chế và nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh. Tuy nhiên, về lâu dài, khi tình hình kinh tế thế giới ổn định hơn và các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai hiệu quả, thị trường hạt tiêu có thể sẽ phục hồi và phát triển trở lại.