Giá tiêu hôm nay 31/7: Tăng nhẹ, cao nhất 75.000đ/kg. (Nguồn: SAM Agritech) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, tính đến 0h15 ngày 31/7, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ ở mức 41.675 Rupee/tạ (cao nhất), 41.650 Rupee/tạ (thấp nhất), tăng nhẹ so với phiên trước đó.
Như vậy, giá hồ tiêu Ấn Độ tiếp tục lên xuống thất thường từ đầu tuần đến nay, dao động trong biên độ hẹp.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Rupee Ấn Độ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu có hiệu lực kể từ ngày 29/7-4/8/2021 là 311,89 VND/IRN.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 71.000 - 75.000 đ/kg tại các địa phương.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 71.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (72.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (73.000 đ/kg); Bình Phước (74.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 75.000 đ/kg.
Theo Vietnambiz, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng năm 2021, hạt tiêu vẫn là 1 trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng. Theo đó, hạt tiêu xuất khẩu đạt 599 triệu USD, tăng 49,8% (mặc dù lượng giảm 1,3% nhưng kim ngạch vẫn tăng do giá xuất khẩu tăng).
Ở trong nước, với mức tăng khá mạnh từ đầu năm đến nay, giá tiêu đen hiện đang cao hơn khoảng 19.000 - 21.500 đồng/kg so với đầu năm và cao hơn 1,5 lần so với mức giá 47.000 - 49.500 đồng/kg đạt được của cùng kỳ năm ngoái.
Mức giá 72.000 - 75.000 đồng/kg cũng đưa giá tiêu đen trong nước lên mức cao nhất trong 4 năm rưỡi trở lại đây.
Nhìn lại thị trường từ đầu năm 2021, việc giá tiêu tăng mạnh được đánh giá là tương đối bất ngờ và vượt dự đoán của doanh nghiệp lẫn người trồng tiêu. Ngay từ đầu năm, hầu hết nhận định đều cho rằng giá tiêu trong năm 2021 khó tăng mạnh vì cung vẫn vượt cầu, dịch Covid-19 khiến nhu cầu giảm mạnh.
Thêm vào đó, tình trạng thiếu container rỗng, giá cước tăng cao càng khiến tình hình khó khăn hơn. Ngoài ra, các nước sản xuất tiêu lớn khác như Brazil, Campuchia tăng sản lượng nên càng gây áp lực lên giá.
Thực tế thị trường tiêu trải qua 2 tháng đầu năm khá trầm lắng, nhưng sau đó giá bất ngờ tăng mạnh trong tháng 3 - thời điểm vụ tiêu tại Việt Nam thu hoạch rộ - lên ngưỡng gần 80.000 đồng/kg.
Vào thời điểm đó, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đánh giá tình trạng tăng giá tiêu là "bất thường", ngoài các yếu tố khách quan còn có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa. Sau cảnh báo của VPA, giá hạt tiêu trong nước đã hạ nhiệt trong tháng 4 cũng như phần lớn thời gian của tháng 5.
Tuy vậy, giá tiêu tiếp tục tăng trở lại vào cuối tháng 5 và tháng 6 khi một số nguồn tin cho thấy, ngoài sự sụt giảm sản lượng của Việt Nam thì các nhà cung cấp khác như Brazil, Indonesia cũng có nguy cơ mất mùa trong năm nay.
Trong tháng 7/2021, thị trường trầm lắng do tác động sâu rộng của dịch Covid-19. Giao dịch trầm lắng khiến hoạt động thu gom hàng không thực hiện được, các công ty xuất khẩu phải lấy hàng trong khi để giao. Do vậy nhiều người tin rằng giá tiêu sẽ có đợt tăng giá ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phía Nam.
Về lâu dài, giá hạt tiêu có xu hướng tăng do nguồn cung khan hiếm. Vụ mùa hạt tiêu năm nay của Việt Nam sản lượng giảm gần 30%.
Trong khi đó, tình trạng thiếu container rỗng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu khiến hàng đến chậm, gây tình trạng thiếu hụt cục bộ.
Hiện tại hầu hết các dự báo đều cho rằng giá hạt tiêu sẽ duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm nay, thậm chí một số nhận định lạc quan cho rằng giá tiêu có thể lên tới 90.000 - 100.000 đồng/kg.