📞

Giá tiêu hôm nay 5/4, đi ngang, thị trường phản ứng trái quy luật, dự báo xuất khẩu gặp khó

Hải An 05:12 | 05/04/2022
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 77.000 - 80.000 đ/kg.
Giá tiêu hôm nay 5/4, đi ngang, thị trường phản ứng trái quy luật, dự báo xuất khẩu gặp khó. (Nguồn: Borneo Talk)

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương, giao dịch từ 77.000 - 80.000 đ/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 77.000 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (77.500 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (78.000 đ/kg); Bình Phước (79.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 80.000 đ/kg.

Tính chung quý I/2022, giá tiêu tại Đông Nam Bộ giảm 2.000 đồng/kg, tại Tây Nguyên mất 2.500 đồng/kg.

Khác với nhiều dự đoán giá tiêu trong nước sẽ giảm mạnh khi bước vào vụ thu hoạch năm nay, giá tiêu nội địa vẫn đứng khá vững và dao động quanh mốc 80.000 đồng/kg.

Với mốc giá trên, người trồng vẫn hoạch toán có lãi, tuy nhiên, với đà tăng phi mã của giá nguyên/nhiên vật liệu như hiện nay thì việc tái đầu tư cho vụ tiêu năm sau còn là bài toán chưa có lời giải.

Vụ mùa năm 2022, do thời tiết không thuận lợi nên sản lượng hồ tiêu trong nước dự kiến tiếp tục giảm. Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên toàn cầu tăng 3% so với năm ngoái.

Quý I/2022, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao so với cùng kỳ, trong đó hồ tiêu khoảng 252 triệu USD (tăng 40,8%).

Dự kiến thị trường tăng mua từ đầu tháng 4/2022. Năm nay, các hộ trồng tiêu chủ động giữ hàng hơn mọi năm nên thị trường tháng 3/2022 kém sôi động, khá ảm đạm.

Tuy nhiên, mới đây, thông tin trên Báo Đồng Nai, dự báo tình hình xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice cho biết, bắt đầu từ tháng 3, xuất khẩu tiêu và nhiều mặt hàng nông sản khác như cà phê, điều đang bị chững lại. Dự báo xuất khẩu tiêu trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sức tiêu thụ trên thị trường vẫn chậm do ảnh hưởng bởi hiệu ứng hậu Covid-19.

Mặt khác, giá xăng dầu tăng cao là yếu tố lớn gây ra tình trạng lạm phát về kinh tế. Đây là nguyên nhân mà nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm nhập khẩu các mặt hàng tiêu, cà phê… Vì cả doanh nghiệp thương mại và chế biến đều có xu hướng đồng loạt đẩy hàng thay vì tranh thủ trữ hàng như mọi năm.

Ông Lâm dẫn chứng: “Mọi năm, thời điểm rộ vụ thu hoạch, các doanh nghiệp đều tranh thủ thu mua nguyên liệu nên xuất khẩu vào tháng này thường tăng mạnh. Nhưng năm nay, ngay vào tháng hồ tiêu rộ vụ thu hoạch, doanh nghiệp nhiều nước lại giảm mạnh lượng hàng nhập, điều này thể hiện rất rõ khi từ đầu tháng 3, xuất khẩu hồ tiêu giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm”.

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, khó khăn về đầu ra cho nông sản, trong đó có thị trường xuất khẩu có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Trong đó có nguyên nhân tình trạng nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu Trung Quốc vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.

(tổng hợp)