Biện pháp áp trần giá dầu Nga đã định hình lại cơ cấu tài chính của thương mại dầu mỏ và hàng hải. (Ảnh: Angus Bennett/Bloomberg) |
Được thiết kế nhằm giảm nguồn tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Điện Kremlin vào Ukraine, biện pháp áp trần dầu mỏ Nga ở mức 60 USD/thùng được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia đặt ra vào tháng 12/2022.
Theo đó, xuất khẩu dầu thô của Nga tới các nước thứ ba có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng của phương Tây nếu dầu được bán ở mức bằng hoặc thấp hơn mức trần 60 USD/thùng.
Đồng thời, EU cũng cấm gần như toàn bộ nhập khẩu dầu từ Nga - đất nước từng là nhà cung cấp dầu chính của khối - buộc mặt hàng này rơi vào "vòng tay" của hai khách hàng mới là Trung Quốc và Ấn Độ.
Kế hoạch trừng phạt được hình thành như một cách để hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga mà không khiến giá năng lượng toàn cầu tăng đột biến.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch (CREA), sau một năm, giá trần đã cắt giảm 14% doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga, khiến nước này thiệt hại 34 tỷ Euro (khoảng 36 tỷ USD).
Tin liên quan |
Giới hạn giá dầu Nga đối mặt thử thách nghiêm trọng nhất, Điện Kremlin mất 100 tỷ USD hay 'bỏ túi' trăm triệu USD mỗi ngày? |
CREA khẳng định, các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong nửa đầu năm nay, đạt đỉnh điểm với mức giảm 180 triệu Euro (khoảng 194 triệu USD) mỗi ngày trong quý I/2023.
Vào tháng 1/2023, Nga chứng kiến doanh thu giảm đáng kể 45% so với cùng kỳ năm trước do giảm tổng doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch, riêng dầu thô giảm 25%.
Vẫn có những ngoại lệ
Tuy nhiên, biện pháp trừng phạt nói trên đã định hình lại cơ cấu tài chính của thương mại dầu mỏ và hàng hải. Nga có cách khiến biện pháp của phương Tây giúp dòng tiền thu được từ dầu mỏ chảy ngược vào Điện Kremlin.
Nhà nghiên cứu cấp cao Eddie Fishman tại Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu của ĐH Columbia (Mỹ) nhận định: “Hạm đội bóng tối và các lựa chọn thay thế cho bảo hiểm hàng hải phương Tây không phải là mới. Iran đã sử dụng cách này trong nhiều năm. Và hiện tại, nhà sản xuất dầu lớn như Nga đang chọn cách này để lách trừng phạt. 'Hạm đội bóng tối' đã vận chuyển khoảng 45% lượng dầu của Nga trong năm nay".
Hy Lạp là một trong những ngoại lệ giúp Điện Kremlin vượt trừng phạt của phương Tây.
Các chủ sở hữu tàu của Hy Lạp đã có thể tiếp tục tham gia giao dịch mua bán dầu mà không vi phạm các quy tắc của EU. Theo dữ liệu vận chuyển, trong năm 2023, các tàu của Hy Lạp đã chở khoảng 20% tổng lượng dầu vận chuyển trên đường biển và gần 1/3 lượng xuất khẩu dầu thô Urals của Nga.
Theo tính toán của Bloomberg, được xây dựng dựa trên dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, doanh thu ròng từ dầu mỏ của Nga trong tháng 10/2023 là 11,3 tỷ USD, chiếm 31% tổng doanh thu ngân sách của quốc gia trong tháng. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.
Các chủ sở hữu đội tàu trong nước và "hạm đội bóng tối" đã vận chuyển hơn 70% dầu của Nga trong 9 tháng đầu năm 2023, cho phép Moscow duy trì quyền kiểm soát xuất khẩu và tăng giá mặt hàng này.
Dữ liệu hải quan chính thức của Ấn Độ cho thấy, trung bình, giá mua dầu Nga ở mức 72 USD/thùng trong năm nay - cao hơn mức giá trần mà phương Tây đặt ra.
Argus Media thông tin, Nga đã xuất khẩu gần 3,5 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, vì vậy, khoảng 11 tỷ USD sẽ được chi vào chi phí chênh lệch vận chuyển. Một phần trong số đó sẽ có trong chi phí vận chuyển hợp pháp, nhưng hầu hết đều thông qua các thương nhân ẩn danh hoặc các công ty vận chuyển không xác định.
Trước chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, phần lớn dầu mỏ của Nga được xử lý bởi một nhóm thương nhân ở London (Anh) và Geneva (Thụy Sỹ).
Vitol Group, Glencore Plc và Trafigura Group là những doanh nghiệp chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 40% lượng dầu thô Urals của Moscow vào năm 2021. Bộ ba công ty này đã công khai rút khỏi hoạt động buôn bán dầu thô của Nga không lâu sau chiến dịch quân sự đặc biệt. Và đã có những ngoại lệ giúp Moscow bán dầu cho các quốc gia châu Á.
Hy Lạp là một trong những ngoại lệ giúp Điện Kremlin vượt trừng phạt của phương Tây. (Nguồn: Reuters) |
Chỉ là Mỹ có muốn hay không?
Trước thực trạng trên, những tháng gần đây, phương Tây cũng đang xem xét tăng cường thực thi lệnh trừng phạt đối với những cá nhân lách giới hạn giá đối với dầu của Nga.
Vào tháng 10, Mỹ đã có lập trường cứng rắn hơn đối với các lệnh trừng phạt Nga và xử phạt hai tàu vi phạm giới hạn giá. Một tháng sau, Washington chính thức áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba công ty hàng hải có trụ sở tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và ba tàu thuộc sở hữu của các công ty này vì vận chuyển dầu của Moscow vượt mức giá trần.
Cuối tháng 11, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đưa thêm ba công ty và tàu thuyền vào danh sách bị xử phạt vì vi phạm liên quan đến giới hạn giá dầu đặt ra đối với dầu thô của Nga. Trong số ba đơn vị bị xử phạt, có hai công ty có trụ sở tại UAE là Sterling Shipping Incorporated và Steymoy Shipping Limited. Đơn vị thứ ba lọt vào danh sách là HS Atlantica Limited, có trụ sở tại Liberia.
Về phần mình, EU đang nghiên cứu việc áp dụng một hệ thống thông báo, yêu cầu phải có sự cho phép của khối để bán các tàu chở dầu đã qua sử dụng.
Ba công ty vận tải lớn của Hy Lạp cũng chính thức ngừng vận chuyển dầu Nga để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ hiện đang được áp dụng đối với một số công ty vận chuyển chở dầu Moscow. Cả 3 công ty đều là những nhà vận chuyển tích cực dầu và nhiên liệu của Nga nhưng dừng hẳn hoạt động chở dầu Nga bắt đầu từ tháng 11. Quan chức Anh cũng đang điều tra các hành vi vi phạm tương tự.
Bộ Ngân khố Mỹ cho biết, họ muốn tăng chi phí mà Nga phải đối mặt khi xuất khẩu dầu.
Cố vấn an ninh năng lượng của Tổng thống Joe Biden Amos Hochstein chia sẻ: “Chúng tôi sẽ xem xét kỹ hơn về giới hạn giá dầu. Bộ Tài chính và các cơ quan khác đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng lợi nhuận của Moscow từ buôn bán dầu mỏ sẽ giảm, ngay cả khi giá dầu thô tăng. Chúng tôi sẽ hành động bất cứ khi nào chúng tôi thấy, cần phải hạ giá trần xuống dưới mức 60 USD/thùng”.
Câu hỏi cuối cùng là liệu Mỹ và các đồng minh có thực sự muốn cắt giảm dòng dầu của Nga hay không? Bởi điều này sẽ đẩy giá dầu toàn cầu lên cao - đúng thời điểm diễn ra chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden.
Nếu không, nhiều nhà phân tích cho rằng, Moscow sẽ có cách giải quyết. Đơn cử như việc tiếp tục tận dụng "hạm đội bóng tối" hoặc khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ phương Tây "nhắm mắt làm ngơ".
| Ukraine ồ ạt phản công Nga bằng vũ khí kinh tế, hàng loạt 'ông lớn' của đồng minh dính đạn Ukraine ráo riết lục tìm các đối tượng liên quan Nga, bổ sung vào các cơ chế trừng phạt quốc tế hiện có bằng các ... |
| Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng về cáo buộc giúp Nga lách trừng phạt, EU đang nhắm đến doanh nhân Moscow? Ngày 28/11, hãng tin STT cho biết, gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga có thể gồm các biện ... |
| Giới hạn giá dầu Nga đối mặt thử thách nghiêm trọng nhất, Điện Kremlin mất 100 tỷ USD hay 'bỏ túi' trăm triệu USD mỗi ngày? Sau khi các đồng minh phương Tây của Ukraine giới hạn giá dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng, biện pháp trừng phạt này phần ... |
| Gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga: ‘Điều khoản 12 G’ gây tranh cãi nội bộ, bị các thành viên EU phản đối từ ‘trong trứng’ Gói trừng phạt mới với nhiều vấn đề khó và nhạy cảm, đang khiến các nước thành viên chia rẽ. Một số quốc gia thành ... |
| Thẻ MIR được chấp thuận ở Cuba, SWIFT bị 'từ mặt' tại các giao dịch trong nước Nga Ngày 5/12, Hệ thống thanh toán thẻ quốc gia Nga (NSPK) tuyên bố, thẻ thanh toán MIR đã được chấp thuận tại Cuba và có ... |