Giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ đã giảm 500 tỷ USD xuống 149.300 tỷ USD trong quý I/2022. (Nguồn: Reuters) |
Sự sụt giảm giá trị tài sản trong quý I/2022 phản ánh sắc đỏ trên thị trường chứng khoán đầu năm nay, khi giá trị cổ phiếu doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp và gián tiếp giảm 3.000 tỷ USD.
Tổng giá trị của những khoản nắm giữ này đạt 46.300 tỷ USD trong quý I/2022, đưa cổ phiếu doanh nghiệp trở thành một trong những tài sản lớn nhất của các hộ gia đình.
Thống kê cho thấy chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số tổng hợp S&P 500 đều giảm gần 5% trong ba tháng đầu năm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm mạnh gần 9%. Đây là quý tồi tệ nhất đối với các thị trường kể từ quý I/2020 khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Mỹ.
Trong năm nay, thị trường chứng khoán chịu sức ép do xung đột Nga-Ukraine, đà tăng cao của giá dầu cũng như lạm phát, chính sách tăng lãi suất của Fed và mối lo ngại về đại dịch Covid-19.
Fed cho biết đà giảm của cổ phiếu được bù đắp một phần bằng đà tăng của giá trị bất động sản (tăng 1.700 tỷ USD) và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cao. Theo thống kê, các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận nắm giữ lượng bất động sản có trị giá 44.100 tỷ USD.
Tỷ lệ giá trị tài sản ròng của hộ gia đình trên thu nhập khả dụng vẫn gần mức cao kỷ lục và vượt xa mức trước đại dịch vào năm 2019. Trong khi đó, Fed cho biết nợ hộ gia đình tăng với tốc độ hàng năm là 8,3%, phản ánh mức tăng trưởng mạnh mẽ của cả khoản vay thế chấp nhà và tín dụng tiêu dùng.
Giá nhà tiếp tục tăng khiến nợ thế chấp tăng 8,6%. Người Mỹ cũng vay nhiều hơn trên thẻ tín dụng và vay mua ô tô, khiến tín dụng tiêu dùng tăng 8,7%.