Giá vàng hôm nay hướng mốc 55 triệu đồng, nhà đầu tư thông minh nên làm gì? (Nguồn: 123rf) |
Mua vào - mất luôn cả triệu đồng
Trong buổi sáng nay, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã liên tục nâng giá. Mở hàng đầu ngày, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng vài trăm nghìn đồng mỗi lượng, yết giá bán ra 53,3 triệu đồng. Buổi chiều (16h00) mỗi lượng vàng miếng SJC bán ra hiện đã được niêm yết trên 54,9 triệu đồng-đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, nếu so với đầu tuần, mỗi lượng vàng hiện đã tăng khoảng 4 triệu đồng.
Diễn biến thị trường vàng trong nước còn cho thấy rõ sự rủi ro rất cao khi kể từ ngày 22/7, chênh lệch giữa giá mua-bán vàng tăng đột biến, lên mức hơn 1 triệu đồng/lượng, gấp ba lần những ngày trước. Chính các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng sợ rủi ro nên đã nới rộng chênh lệch mua và bán. Vì thế, với mức chênh lệch cả triệu đồng/lượng có nghĩa là rủi ro đã đẩy hoàn toàn về phía người mua vì vừa mua xong đã lỗ chắc 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng đã ở mức quá cao, còn thị trường thì quá rủi ro, kể cả với mục tiêu mua đầu tư hay tích trữ.
Tất nhiên, đà tăng của giá vàng trong nước đã kéo dài hơn một tuần nhờ xung lực của thế giới. Dù giá vàng thế giới hôm nay vẫn trong xu thế đi lên và nhiều chuyên gia vẫn dự báo giá vàng thế giới sẽ vượt kỷ lục 1.921 USD/ounce trong vài tháng tới, nhưng cũng đã có không ít cảnh báo "vàng đã xuất hiện những dấu hiệu đảo chiều khá rõ ràng do giới đầu tư muốn hiện thực hóa lợi nhuận sau khi đã tăng giá quá mạnh. Sáng nay có thời điểm giá vàng thế giới vượt mức 1.870 USD/ounce, nhưng sau đó đã điều chỉnh nhẹ về 1.867 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới chỉ tương đương 52,39 triệu đồng/lượng, hiện thấp hơn giá trong nước hơn 1 triệu đồng.
Phân tích diễn biến tăng quá nóng của thị trường vàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước mới đây cho rằng, xu hướng giá vàng thế giới đi lên mạnh nên đẩy giá trong nước tăng theo, nhưng trong nội tại, thị trường không có biến động lớn, bất thường, nhu cầu về vàng không cao. Từ năm 2014 đến nay, nền kinh tế cũng không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường.
Không phải "sân chơi" cho tất cả mọi người
Trong giới chuyên gia quốc tế nhiều người có nhận định chung rằng, vàng đã xây dựng nền tảng vững chắc trong quý II và thiết lập mặt bằng giá mới. Nửa cuối năm sẽ là giai đoạn tăng tốc để chạm ngưỡng cao hơn, thấp nhất là 1.900 USD. Nhưng dù có những dự báo sốc về giá vàng năm nay thì thị trường vàng vẫn là “sân chơi” không kém phần nguy hiểm, đặc biệt với các "tay chơi" không chuyên. Không dễ để đối phó với tâm lý của các nhà đầu tư, khi mọi quyết định đều có thể thay đổi “quá nhanh, quá nguy hiểm” và thường không cần đến 1 đêm.
Thị trường chứng khoán giảm mạnh, còn giá vàng tăng vọt do đại dịch Covid-19 đã khiến mọi người chú ý nhiều hơn đến vàng. Liệu với hiệu suất tuyệt vời này thì vàng có thực sự đáng để đầu tư?
Theo quan điểm của GS. Parthajit Kayal, Trường Kinh tế Madras ở Ấn Độ-nơi có thị trường vàng luôn sôi động, có thể đây không phải là một ý tưởng rất tốt cho tất cả mọi người. Bởi khi nói đến đầu tư, tâm lý chứ không phải tài sản, sẽ quyết định lợi nhuận.
Trên thực tế, trong dài hạn, vàng có thể là một lựa chọn đầu tư tốt hơn, để có lợi nhuận nhiều hơn so với các khoản tiền gửi cố định. Lợi nhuận từ vàng có thể đánh bại lạm phát. Do đó, đầu tư vàng phù hợp đối với các nhà đầu tư không thích rủi ro.
Tuy nhiên, nếu ai đó đang tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn và không đủ kiên nhẫn để chờ đợi từ 10 đến 15 năm, thì có lẽ vàng không nên có trong danh sách đầu tư. Vàng chủ yếu chỉ thể hiện nhiều ưu điểm trong giai đoạn khủng hoảng và không thực sự là lựa chọn đầu tư có lợi trong giai đoạn bình thường.
Đầu tư vào vàng có thể khiến các nhà đầu tư mất kiên nhẫn trong một thời gian dài vì không ai biết khi nào cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ xảy ra. Và chi phí cơ hội của việc nắm giữ đầu tư vàng cho đến cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể sẽ khá cao. Các nhà đầu tư phải từ bỏ tất cả các lợi ích có thể đạt được như đầu tư chứng khoán… Trong khi đó, nhiều năm lợi nhuận không đáng kể, thậm chí lỗ vốn, có thể ảnh hưởng tâm lý đến các nhà đầu tư và buộc họ phải quyết định bán các khoản đầu tư vàng mà không có lãi hoặc thậm chí thua lỗ ở bất cú thời điểm nào.
Quay trở lại thời điểm hiện nay, chắc chắn không phải là dễ dàng để đối phó với tâm lý riêng của con người trong các quyết định đầu tư. Do đó, theo GS. Parthajit Kayal, các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục đầu tư vào vàng theo cách của người Ấn Độ. Đó là đầu tư vàng kèm với sự bảo đảm về tâm lý để buộc người mua không dễ dàng quyết định bán một cách nhanh chóng. Những người này không nên thực sự mong đợi ngay lập tức một khoản lợi nhuận lớn, nhưng khoản đầu tư này lại như một lá chắn an toàn chống lại các thời kỳ kinh tế tồi tệ.
Còn việc mua vào hay bán ra trong lúc này, nên cân nhắc tới tính lên xuống “bất ngờ như thị trường vàng” để phải tính toán chặt chẽ về tỉ lệ lợi nhuận và không nên quyết định vội vã. Đầu tư vàng lúc này phải thận trọng, phải theo dõi tình hình thời sự thế giới, thị trường quốc tế và trong nước, theo dõi sát sao từng giờ, từng ngày và một lời khuyên muôn thuở của các nhà đầu tư "sừng sỏ" là không nên "bỏ trứng vào một giỏ".