Giá vàng đen tăng vọt, nguồn cung bế tắc, Mỹ, Hàn Quốc tìm cách áp giá trần với dầu khí Nga. |
Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 8 tăng 2,67 USD (2,5%) lên mức 108,43 USD/thùng trên sàn giao dịch New York. Giá dầu Brent giao tháng 9 cũng tăng 2,6 USD (2,4%) lên mức gần 111,63 USD/thùng trên sàn giao dịch London. Tính trung bình cả tuần, giá dầu thô Mỹ tăng gần 0,8% trong khi giá dầu Brent tăng 2,3%.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã thảo luận phương án áp giá trần đối với dầu thô của Nga.
Trong thông cáo đưa ra ngày 2/7, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm diễn ra tối 1/7, Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho nêu rõ, Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng mạnh do giá dầu trên thị trường thế giới tăng vọt. Ông chia sẻ quan điểm và đề nghị Mỹ thông báo kế hoạch triển khai cụ thể về áp giá trần với dầu thô của Nga cho Hàn Quốc.
Bộ trưởng Yellen cho rằng, cần phải áp đặt giá trần đối với dầu thô của Nga nhằm ổn định giá năng lượng và giảm nhập khẩu từ Nga. Bà đồng thời cho biết sẽ thảo luận vấn đề này với các nước khác, trong đó có Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).
Thông tin cho biết, mấu chốt của việc áp giá trần đối với mặt hàng dầu thô là các nước nhập khẩu, trong đó có Mỹ, sẽ không mua dầu thô của Nga nếu giá cao hơn mức trần quy định. Điều này nhằm giảm nguồn thu từ dầu thô của Nga và nhằm hạ nhiệt thị trường năng lượng thế giới.
Trong cuộc thảo luận, các quan chức tài chính Mỹ và Hàn Quốc cũng đánh giá cao việc hai nước duy trì phối hợp chặt chẽ trong nhiều vấn đề kinh tế và nhất trí tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Choo Kyung-ho và Bộ trưởng Tài chính Yellen sẽ gặp nhau tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ được tổ chức tại Bali, Indonesia, vào giữa tháng này để thảo luận về các vấn đề kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Yellen có kế hoạch thăm Hàn Quốc trong các ngày 19-20/7 và đây là cơ hội để hai bên đưa ra kế hoạch về hợp tác kinh tế và tài chính cùng các cách thức để tăng cường phối hợp chính sách thông qua các cơ chế song phương và đa phương.
Trước đó, ngày 30/6, Công ty Dầu mỏ quốc gia Libya NOC tuyên bố tình huống bất khả kháng xảy ra tại nhiều cảng dầu mỏ trong bối cảnh biểu tình và phong tỏa tiếp diễn khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ bị hạn chế, càng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung.
Trong khi đó, những quan ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc đã phần nào kiềm chế tốc độ tăng giá dầu. Các nhà đầu tư cũng đang nghe ngóng thông tin quyết định sản lượng của các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới.
Ngày 1/7, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cũng nhất trí tăng cường sản lượng dầu thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 8. Tuy nhiên, nhóm chưa quyết định các mục tiêu sản lượng cho tháng 9 và các tháng sau đó.
| Giá cà phê hôm nay 2/7: Đồng loạt giảm mạnh, xuất khẩu cà phê sang Mỹ giảm về lượng, tăng về giá trị Tháng 5/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Mỹ đạt 9,34 nghìn tấn, trị giá 22 triệu USD, giảm 16,5% về lượng, nhưng tăng ... |
| Kinh tế Mỹ: Lạm phát tham gia 'trò chơi đổ lỗi' chính trị, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden tụt dốc, vận mệnh nằm trong tay giá dầu “Hơn bao giờ hết, Mỹ đang có vị thế tốt hơn để dẫn đầu thế giới. Chúng tôi có nền kinh tế mạnh nhất thế ... |