Giá vàng thế giới hôm nay sau khi chạm mức thấp nhất 10 tháng ở phiên hôm qua, đã hồi phục trở lại trong phiên hôm nay và đà tăng đẩy lên cao sau khi thị trường chinh phục thành công trở lại mốc 1.700 USD. (Nguồn: Kitco) |
Cập nhật giá vàng hôm nay: Giảm sâu tăng mạnh đến bất ngờ
Tuy nhiên, thực tế đúng là khó dự đoán, thị trường vàng lại càng khó đoán, vì nó thường chẳng đi theo một kịch bản nào. Mỗi ngày đều là những tình huống rất bất ngờ.
Thị trường vàng thế giới trong những ngày này là những phiên tăng giảm chóng mặt trong biên độ rộng. Bất ngờ bật tăng ngay phiên mở cửa Thứ Hai (ngày 8/3), lập tức đảo chiều giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 1.700 USD ngay sau đó, nhưng chưa hết, giá vàng thế giới lại có phiên đảo chiều bật tăng mạnh bất ngờ ngay phiên tiếp theo.
Theo ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới khởi đầu ngày hôm nay 10/3 từ mức giá 1.716 - 1.717 USD/ounce. Trước đó ít giờ, lúc 22h15 ngày 9/3 (giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco bất ngờ bật tăng gần 35 USD so với phiên liền trước, trở lại ngưỡng 1.700 USD/ounce, rồi vượt lên trên, hiện đứng ở mức 1.716,9 - 1.717,9 USD/ounce trước khi vào phiên giao dịch mới. Trong phiên mở cửa cùng ngày, lúc 6h00, giá vàng thế giới tiếp đà tụt dốc từ đêm hôm trước, giao dịch tại 1.682 USD/ounce, giảm mạnh 18 USD/ounce.
Cập nhật giá vàng hôm nay 10/3, trong nước bật tăng mạnh theo đà tăng của thế giới Theo đà đảo chiều tăng mạnh của vàng thế giới, phiên mở cửa buổi sáng lúc 9h00, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại 55,00 - 55,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Chênh lệch giá bán vàng vẫn đang cao hơn giá mua 400.000 đồng/lượng. Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng mạnh 160.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 190.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 54,96 - 55,34 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng được điều chỉnh tăng, hiện niêm yết ở 51,98 - 52,63 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới trên sàn Kitco hiện đang giảm nhẹ khoảng 5 USD so với phiên mở cửa, hiện đang niêm yết tại 1.711,5 - 1.711,5 USD/ounce. |
Ngày hôm qua, theo xu hướng thị trường thế giới, giá vàng trong nước bị nhấn sâu. Tại các cơ sở kinh doanh toàn quốc, ngay trong phiên mở cửa buổi sáng ngày 9/3, giá vàng SJC giảm ngay 200.000-250.000 đồng, giá mua vào chính thức mất mốc 55 triệu đồng/lượng, dao động quanh mức thấp nhất kể từ cuối năm ngoái, khoảng 54,80 triệu đồng/lượng.
Đến chiều qua, giá vàng thế giới tăng mạnh, nhưng tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn vẫn đóng cửa ngày giao dịch bằng một phiên giảm, hiện giá vàng SJC được niêm yết tại 54,70 - 55,15 triệu đồng/lượng, tiếp tục giảm 170.000 đồng ở chiều mua vào và 150.000 đồng ở chiều bán ra so với phiên liền trước. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020 giá vàng mất mốc 55 triệu đồng.
Cùng thời điểm, tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giảm ở cả chiều mua vào và bán ra, hiện niêm yết tại 54,80 - 55,15 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long được điều chỉnh tăng nhẹ, hiện niêm yết ở 51,89 - 52,54 triệu đồng/lượng.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank ở thời điểm hiện tại, mỗi lượng vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới khoảng 7,5 - 8 triệu đồng/lượng. Dù cũng có những phiên đi theo xu hướng thế giới, nhưng vàng trong nước chủ yếu vẫn "mình một chợ", giá vẫn 'đủng đỉnh' treo ở mức cao và nới rộng chênh lệch với giá vàng thế giới. Theo các chuyên gia, có sự chênh lệch quá lớn này chủ yếu do chi phí vàng ở trong nước tương đối cao, từ công chế tác, tới thuế nhập khẩu và các loại phí giao dịch khác. Ngoài ra, yếu tố thời vụ, trong giai đoạn trước và sau ngày Vía Thần tài đầu năm mới cũng góp phần đưa giá cao hơn thời điểm bình thường.
Tín hiệu về kỷ nguyên kinh tế mới ở Mỹ
Giá vàng thế giới bắt đầu đảo chiều tăng mạnh từ nửa phiên sau ngày hôm qua, trong bối cảnh USD và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đảo chiều giảm. Đà tăng được đẩy lên cao sau khi thị trường chinh phục thành công trở lại mốc 1.700 USD. Giá vàng bất ngờ đảo chiều cũng có thể do niềm tin của thị trường về gói kích thích kinh tế một lần nữa được củng cố, kỳ vọng lạm phát ở Mỹ sẽ cao hơn trong thời gian tới sau khi gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD được thực thi.
Ngoài ra, lực mua đã xuất hiện mạnh bởi nhu cầu mua vào ở vùng thấp, việc kim loại quý này chạm đáy 10 tháng trong ngày hôm qua đã hấp dẫn nhà đầu tư bắt đáy, giúp giá đảo chiều tăng nhanh hơn.
Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động trái chiều trong phiên này, trong đó chứng khoán châu Á giảm mạnh còn chứng khoán Mỹ đang đi lên. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sau khi lên trên 1,6% trong ngày hôm qua, đến hôm nay điều chỉnh về 1,542%. Một số ý kiến cho rằng, đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có lẽ sắp qua đi, góp phần làm gia tăng nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong vàng.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD vừa đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch vào giữa năm nay, ở mức 5,6%, trong đó kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, cao gấp đôi so với tốc độ dự báo vào tháng 11 năm ngoái, còn kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,8%. Nhưng tổ chức này đồng thời cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ có thể làm mất cân bằng các nền kinh tế thế giới yếu hơn.
Tuy nhiên trước đó, giá vàng thế giới đã thật sự không bền vững, tăng giảm liên tục vào ngày 9/3, dưới sức bật mạnh mẽ của USD và lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng mạnh.
Gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD hiện đã được Thượng viện Mỹ thông qua và đang chờ Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh triển khai, cũng là lúc lo ngại lạm phát tăng xuất hiện. Tuy nhiên, với kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến, nhiều khả năng giới đầu tư sẽ giảm nhu cầu nắm giữ kim loại quý như tài sản trú ấn mà sẽ chuyển dịch xu hướng đầu tư vào chứng khoán, hàng hóa hay các loại tài sản khác có tỷ lệ lãi suất cao hơn...
Với những thông tin liên tục được cập nhật từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt chịu tác động mạnh từ những quyết định có tầm ảnh hưởng ra ngoài biên giới nước Mỹ, thị trường kim loại quý hứa hẹn còn nhiều biến động bất ngờ trong những ngày tới.
Tờ Foreign Policy mới đây có nhận định, gói kích thích kinh tế báo hiệu bình minh của kỷ nguyên kinh tế mới ở Mỹ. Tờ báo này phân tích, hơn nhiều so với cuộc suy thoái năm 2009, sự phục hồi nhanh chóng mà chính quyền Tổng thống Mỹ Biden dường như quyết tâm thực hiện sẽ thúc đẩy nhu cầu toàn cầu. Do vậy, Mỹ sẽ không chỉ làm gương, mà còn sẽ hỗ trợ vật chất cho sự phục hồi của phần còn lại của thế giới vào năm 2021.
Các gói kích thích kép được chính quyền ông Biden lên kế hoạch vào ngay năm nay là một nỗ lực mạnh mẽ và được xây dựng tốt để phá vỡ chu kỳ tuyệt vọng trong chiến thắng của các Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ và thất bại trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Việc lặp lại các năm 1994 và 2010 sẽ là một thảm họa. Trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng đã làm rung chuyển nền dân chủ Mỹ vào năm 2020, rủi ro sẽ không thể cao hơn.
Điều này còn có nghĩa là gói kích thích được thiết kế để cố tình tạo ra một nền kinh tế áp lực cao. Gói kích thích cũng liên quan đến một yếu tố rủi ro lạm phát. Thị trường trái phiếu đang thể hiện một "cơn giận dữ nhỏ" về triển vọng đó. Cho đến nay, Chính quyền Mỹ và hệ thống dự trữ liên bang nên được chúc mừng vì đã giữ vững tinh thần của họ. Họ rõ ràng chấp nhận rủi ro khi làm quá ít sẽ lớn hơn rủi ro khi làm quá nhiều.
Vàng thế giới đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức, nhưng cũng chứa đựng cơ hội cho những nhà đầu tư đủ bản lĩnh và dám chấp nhận rủi ro. Một số chuyên gia cho rằng, thị trường có thể chứng kiến sự sụt giảm đủ để “làm sạch thị trường” - những người nắm giữ yếu kém, ít nhất đến khi giá vàng phục hồi. Do đó, với người đầy bản lĩnh thị trường như chuyên gia Afshin Nabavi, Trưởng bộ phận giao dịch của MKS (Thụy Sĩ) SA, ông khá chắc chắn về thời điểm khó khăn đối với vàng. “Hiện tại, tôi chỉ ngồi lại và chờ đợi thời điểm thích hợp để nhảy trở lại", Afshin Nabavi tiết lộ.