📞

Giá vàng hôm nay 12/10: Giá vàng thế giới rơi vào vùng tiêu cực, 'bóng ma' trên thị trường; vàng SJC thất thường, rồi sẽ đi đâu?

Minh Anh 05:06 | 12/10/2022
Giá vàng hôm nay 12/10 đã rơi vào vùng tiêu cực, khi vàng đã kiểm tra mức hỗ trợ 1.700 USD/ounce sau dữ liệu thị trường lao động Mỹ tốt hơn dự kiến. Giới đầu tư đang theo dõi chặt số liệu lạm phát tháng 9, với những dự báo bất ngờ về diễn biến thị trường. Vàng SJC vẫn không nên là tài sản đáng tin cậy?

Diễn biến giá vàng hôm nay 12/10

Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất trong vòng 3 tháng, giảm 0,7%, rời xa mốc 1.700 USD/ounce, xuống 1.682 USD/ounce, trong bối cảnh thị trường lại tiếp tục đặt cược về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh, đẩy giá đồng USD đi lên.

Tuy nhiên vào đầu phiên giao dịch, giá vàng vẫn có những phiên điều chỉnh tăng nhẹ khi một số nhà đầu tư đã quan tâm một cách rụt rè đến việc săn lùng món hời khi giá vàng xuống thấp và/hoặc nhu cầu tìm một nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của mình.

Nhưng sự quan tâm của nhà đầu tư cũng vẫn khá yếu ớt, khi SPDR Gold Trust - quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới, đã giảm 2,03 tấn vào thứ Sáu (7/10), đánh dấu dòng chảy vốn ra lớn nhất kể từ cuối tháng Chín.

Giá vàng hôm nay 12/10 giảm 0,7%, rời xa mốc 1.700 USD/ounce, trong bối cảnh thị trường lại tiếp tục đặt cược về quyết định tăng lãi suất của Fed. Giá vàng SJC tăng giảm thất thường trong biên độ rộng. (Nguồn: SJC)

Trên thị trường, USD tiếp tục duy trì mức giá cao nhất trong vòng 20 năm và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, gần như đang ở mức cao nhất trong 12 năm. Đây không phải là những tin tốt cho vàng. Trong khi, giới đầu tư đang đứng ngoài thị trường theo dõi, không vội nhảy vào trước khi báo cáo dữ liệu lạm phát Mỹ tháng 9 sẽ được công bố vào thứ Năm tuần này. Theo đó, nếu số liệu lạm phát hạ nhiệt, được cho là sẽ thúc đẩy Fed giảm lãi suất vào tháng 11, điều đó sẽ giúp vàng tăng giá. Ngược lại, thị trường vàng sẽ chứng kiến một đợt bán tháo.

Theo các nhà kinh tế, mặc dù lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ đang chậm lại, nhưng lạm phát cốt lõi được dự báo sẽ tăng tốc. Trong khi vàng thường được coi là hàng rào chống lại lạm phát, nhưng lãi suất của Mỹ tăngđã làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng.

Tin cập nhật giá vàng mới nhất, trên sàn Kitco, hiện giao dịch tại 1.671,90 USD/ounce, tăng nhẹ 2,8 USD (0,17%) so với phiên giao dịch liền trước, sau một số phiên giảm liên tiếp, ghi nhận của TG&VN vào lúc 22h15 ngày 11/10 (giờ Việt Nam). Giá vàng giao tháng 12 tăng 2,60 USD, giao dịch ở mức 1.677,80 USD/ounce.

Thị trường vẫn có nhiều dự đoán trái chiều, dữ liệu thị trường lao động Mỹ được công bố vào cuối tuần trước cho hai luồng nhận định. Một số ý kiến cho rằng, tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại, được cho là không khả quan sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục tăng lãi suất mạnh trong suốt thời gian còn lại của năm 2022. Ở luồng quan điểm khác, thì dù tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại vừa phải trong tháng 9, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống, báo hiệu một nền kinh tế phục hồi và làm dấy lên hy vọng về sự xoay trục của Fed sớm.

Các nhà giao dịch chủ yếu mong đợi một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp của Fed vào tháng tới.

Giá vàng trong nước thất thường

Giá vàng SJC tiếp tục giảm trong khoảng 100.000 - 200.000 đồng/lượng, sau nhiều phiên tăng dữ dội. Trong đó, Tập đoàn Doji giảm mạnh nhất vào cuối phiên, khoảng 200.000 đồng/lượng theo cả hai chiều mua vào và bán ra.

Các thương hiệu lớn khác như Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, Tập đoàn Phú Quý, hệ thống PNJ và Bảo Tín Minh Châu đồng loạt giảm 100.000 đồng/lượng đối với vàng SJC ở chiều mua vào - bán ra.

Giá vàng miếng SJC vừa trải qua một đợt tăng mạnh (vào ngày 10/10), có lúc tăng đến 1,1 triệu đồng, trở lại rồi nhanh chóng vượt xa mốc 67 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới gần 19 triệu. Vàng SJC liên tục điều chỉnh tăng giảm mạnh, khá thất thường, nếu mua vàng đúng thời điểm cao nhất tháng 3, sau nửa năm, người mua vàng gánh khoản lỗ lên tới gần 9 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng cuối năm 2021 và đầu năm nay đã tăng rất mạnh, trong một năm qua, giá vàng đã tăng hơn 9 triệu đồng/lượng.

Với chênh lệch giữa mua và bán rất lớn, khiến vừa mua xong người mua đã chịu lỗ lên tới hàng triệu đồng. Chênh lệch giữa giá vàng thế giới với trong nước vẫn giữ ở mức khá cao. Giới chuyên gia khuyến cáo, thời điểm này không phải lúc thích hợp để mua vàng, khi rủi ro cho người tham gia thị trường rất cao.

Trái ngược với xu hướng tăng mạnh của giá vàng miếng SJC, giá vàng trang sức 999,9 hôm nay tiếp tục giảm phiên thứ 4 liên tiếp, sau khi tăng lên mức giá cao nhất hai tháng.

Tổng hợp bảng giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 11/10:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 65,90 – 66,92 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 65,80 – 66,80 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,90 – 66,90 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 65,90 – 66,90 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 65,92 – 66,88 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 51,71 – 52,56 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 51,30 – 52,40 triệu đồng/lượng.

Dự báo giá vàng: Bóng ma đeo bám thị trường?

Như vậy, trên thị trường thế giới, giá vàng đã giảm hơn 350 USD kể từ khi vượt qua mốc 2.000 USD vào tháng 3, trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ đang tiếp tục mạnh tay thắt chặt. Kênh trú ẩn an toàn là vàng đã không thể tỏa sáng bất chấp bất ổn địa chính trị và xu hướng chứng khoán giảm và hầu hết các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn vào đồng bạc xanh. Bóng ma về chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ của Fed tiếp tục đeo bám thị trường kim loại quý.

Tâm lý e ngại rủi ro vẫn được nâng cao khi cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang khi Nga phóng tên lửa vào một số thành phố của Ukraine, sau khi cây cầu chiến lược của Nga ở khu vực Crimea bị kích nổ. Trong khi đó, Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo để khiêu khích phương Tây trong một môi trường địa chính trị toàn cầu vốn đã căng thẳng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023, trong bối cảnh áp lực từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và lương thực cao, lạm phát và lãi suất cao hơn mạnh, cảnh báo rằng tình hình có thể xấu đi đáng kể trong năm tới. Những cú sốc này có thể khiến lạm phát tăng cao trong thời gian dài hơn, do đó có thể tiếp tục gây áp lực tăng giá đối với USD, hiện đang ở mức mạnh nhất kể từ đầu những năm 2000. IMF cho biết điều này đang gây áp lực lên các thị trường mới nổi và đồng USD mạnh hơn nữa có thể làm tăng khả năng lâm vào tình trạng khốn đốn vì nợ nần đối với một số quốc gia.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, cho biết rất khó để tạo ra một động lực tăng giá cho vàng, vì lạm phát có thể vẫn chưa đạt đỉnh, với việc tăng lãi suất có thể tiếp tục cho đến khi kịch bản như vậy xảy ra. “Đó không chỉ là môi trường lý tưởng đối với vàng. Thị trường đang chứng kiến sự phục hồi của đồng USD và lợi suất và vàng giảm trở lại".

Tổng giám đốc toàn cầu tại ABC Bullion Nicholas Frappell đặt cược giá vàng sẽ giảm trong thời gian tới vì đợt phục hồi tuần trước không thu hút được động lực tăng mới.

(theo Kitco News)