📞

Giá vàng hôm nay 12/11: Giá vàng kết tuần lạc quan, trong nước tăng 'vùn vụt', giờ là lúc sở hữu vàng như bảo hiểm

Linh Chi 06:06 | 12/11/2022
Giá vàng hôm nay 12/11 ghi nhận thị trường thế giới giữ đà đi lên trong bối cảnh lạm phát Mỹ đang chậm lại và đồng USD xuống dốc. Chuyên gia nhận định, nếu sự hưng phấn trên thị trường tiếp tục, giá vàng có thể tăng cao hơn nhiều và chạm mức 1.762-1.767 USD/ounce trong thời gian tới.

BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 12/11 TỶ GIÁ HÔM NAY 12/11

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 12/11

Giá vàng thế giới tiếp tục giữ được đà tăng giá lạc quan khi số liệu mới nhất cho thấy lạm phát tại Mỹ đã chậm lại và làm tăng hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kéo chậm các đợt tăng lãi suất.

Ghi nhận của TG&VN lúc 20h ngày 11/11, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco ở mức 1.758,6 - 1.759,6 USD/ounce, tăng 2,9 USD/ounce so với phiên giao dịch liền kề.

Tại thị trường châu Á, kim loại quý tăng cao hơn trong chiều 11/11 và trên đà đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất trong hơn hai năm.

Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.761,73 USD/ounce vào lúc 14 giờ 10 phút (giờ Việt Nam). Giá vàng đã tăng 4,7% tính đến thời điểm hiện tại trong tuần, hướng tới mức tăng lớn nhất kể từ tháng 7/2020.

Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,6% lên 1.764,50 USD/ounce.

Bên cạnh đó, đồng USD giảm cũng là lý do khiến giá vàng bật tăng. Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 0,3% và hướng đến mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3/2020. Đồng USD yếu đi khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Báo cáo mới nhất cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng thấp hơn dự kiến trong tháng 10/2022 – một dấu hiệu rằng lạm phát đang chậm lại. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ bắt đầu giảm bớt các đợt tăng lãi suất mạnh tay của họ.

Những người tham gia thị trường hiện thấy 71,5% cơ hội Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 12.

Trong nước, giá vàng tăng mạnh ở cả thị trường trong nước và thế giới trong phiên giao dịch ngày 11/11. Giá vàng miếng của SJC tăng tới 300 nghìn đồng/lượng, giá vàng nhẫn của SJC tăng tới 1,1 triệu đồng.

Đây được xem là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC và vàng 9999 trong 3 tháng qua. Nhưng tính từ thời điểm giá vàng xác lập kỷ lục vào 8 tháng trước thì hiện vàng miếng SJC vẫn lỗ hơn 7 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn tròn trơn thì cũng “âm vốn” gần 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay 12/11: Giá vàng kết tuần lạc quan, trong nước tăng 'vùn vụt', giờ là lúc sở hữu vàng như bảo hiểm. (Nguồn: Shutterstock)

Tổng hợp bảng giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 11/11:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,60 – 67,62 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,50 – 67,50 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,50 – 67,50 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,60 – 67,60 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,52 – 67,48 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,06 – 53,96 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,65 – 52,75 triệu đồng/lượng.

Giá vàng có giữ được "hưng phấn"?

Ông Christopher Wong, chiến lược gia về ngoại hối tại ngân hàng OCBC (Singapore) cho biết, số liệu lạm phát nhẹ nhàng hơn dự kiến tạo khả năng Fed tăng lãi suất ít hơn. Điều đó có thể đẩy đồng USD đi xuống, tạo cơ hội cho vàng có giai đoạn phục hồi nhẹ.

Chuyên gia này nhận định, nếu sự hưng phấn trên thị trường tiếp tục, giá vàng có thể tăng cao hơn nhiều và chạm mức 1.762-1.767 USD/ounce trong thời gian tới.

"Dù có cố ý hay không, khả năng thao túng giá vàng thông qua lãi suất và USD mạnh của chính phủ Mỹ và fed có thể sắp kết thúc", theo Frank Giustra, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Fiore, người sáng lập Lionsgate Entertainment và Rick Rule, cựu Giám đốc điều hành của Sprott, đồng thời là Chủ tịch hiện tại của Rule Investment Media.

Hai vị chuyên gia này đồng ý rằng, vàng vẫn là một kho lưu trữ quan trọng khi sự thống trị của USD - đồng tiền dự trữ của thế giới tiếp tục gặp thách thức.

Ông Rule cho biết, ông coi giá vàng yếu là hệ quả của chính sách tiền tệ của Fed. Tuy nhiên, sức mạnh của USD được thúc đẩy bởi lãi suất tăng đang đè nặng lên vàng và điều này có thể sắp kết thúc. Fed sắp hết dư địa để tăng lãi suất khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với khoản nợ lớn.

Đồng quan điểm, ông Giustra cũng nói rằng, ông nghi ngờ chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ giảm tốc thời gian tới.

Tuần trước, Hội đồng Vàng Thế giới báo cáo rằng, các ngân hàng trung ương đã mua gần 400 tấn vàng trong quý III, mức tích lũy hàng quý lớn nhất kể từ những năm 1960.

Chuyên gia Giustra lưu ý rằng, các ngân hàng trung ương đã thực sự mua vàng ròng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

"Tại sao các ngân hàng trung ương lại dự trữ vàng trong 12 năm qua mà không có lý do?", ông Giustra đặt câu hỏi.

Cả hai chuyên gia đều cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế gia tăng bất ổn như hiện nay, giờ là lúc để sở hữu một số vàng như một chính sách bảo hiểm.

Ông Rule ví von: “Có một ít vàng sẽ giúp tôi dễ ngủ vào ban đêm".

Dự đoán giá vàng thời gian tới, cả hai chuyên gia đều nói rằng, không nhất thiết muốn giá cao hơn vì điều đó sẽ vẽ nên một bức tranh ảm đạm về "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia Rule nhấn mạnh: “Hậu quả của việc vàng vượt ngưỡng 15.000 USD sẽ rất lớn đối với nền kinh tế".

(theo Kitco, Reuters)