BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 12/1 và TỶ GIÁ HÔM NAY 12/1
Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 12/1/2024
Giá vàng trong nước hôm nay tiếp tục tăng cả triệu đồng đối với vàng miếng SJC, lên 75,3 triệu/lượng.
Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng giá trong suốt phiên giao dịch ngày 11/1, tăng mạnh hơn vào cuối phiên. Cuối ngày, tăng khoảng 1 triệu đồng ở cả hai chiều, giá vàng miếng SJC trở lại ngưỡng 75 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra là 2,5 triệu đồng/lượng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/1, giá vàng miếng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết tại 72,8 - 75,30 - 75,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cùng tăng 1 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji cũng tăng 1 triệu đồng/lượng ở hai chiều mua và bán, lần lượt chốt phiên tại 72,75 - 75,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC gần đây chịu áp lực giảm mạnh sau khi NHNN lên tiếng khẳng định sẽ sửa Nghị định 24 về độc quyền vàng trong tháng 1, sẵn sàng tăng cung vàng SJC và đánh giá lại vai trò của vàng miếng SJC. Trước đó, ngày 28/12/2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu không để vàng hóa nền kinh tế, đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC. Thị trường sau đó đồn đoán, giá vàng SJC sẽ xuống 65 triệu đồng/lượng khi NHNN có biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giá vàng miếng SJC có thể sẽ giảm, nhưng mức độ giảm phụ thuộc vào số lượng vàng nhập về.
Chốt phiên ngày11/1, giá vàng nhẫn, giá vàng miếng chỉ nhích nhẹ, giá vàng thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo tín Minh Châu giao dịch tại 62,88 – 63,93 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 62,40 – 63,60 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đang tăng trở lại nhờ đồng USD giảm, khi thị trường đợi báo cáo lạm phát Mỹ công bố vào cuối ngày.
Ghi nhận của Báo Thế giới & Việt Nam, lúc 21h05 ngày 11/1 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco tại 2.027,60 - 2.028,60 USD/ounce, tăng 3,5 USD so với chốt phiên liền trước.
Như vậy, giá vàng thế giới đang cao hơn khoảng hơn 10% so với đầu năm 2023. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD có giá khoảng 60,6 triệu đồng/lượng (bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 13,9 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Kinh tế Mỹ sẽ thế nào vẫn còn là một ẩn số, có thể suy thoái nhưng cũng có thể hạ cánh mềm. Do vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, có thể cắt lãi suất vào 2024 nhưng lại nhấn mạnh thêm rằng, “chưa có gì là chắc chắn”. Quan điểm của Fed là mọi quyết định đều sẽ dựa trên những số liệu của nền kinh tế Mỹ. Cho tới thời điểm này, vẫn khó xác định nền kinh tế Mỹ sẽ như thế nào trong năm 2024.
Giá vàng hôm nay 12/1/2024: Giá vàng SJC lại tăng mạnh, tăng mua hay chốt lời? Trung Quốc ráo riết tăng trữ vàng và ngoại hối. (Nguồn: Kitco) |
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 11/1/2024:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 72,80 – 75,32 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 72,75 – 75,25 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại: 72,70 – 75,20 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 73,20 – 75,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 72,85 – 75,25 triệu đồng/lượng.
Vàng cần thời gian để bứt phá
Vàng vẫn giao dịch trong phạm vi giới hạn trước khi dữ liệu CPI của Mỹ được công bố với mức hỗ trợ chính là khoảng 2.010 USD, trong khi đó việc giá phá vỡ trên mốc 2.045 USD là cần thiết để tạo ra động lực mới.
Tâm điểm của thị trường là báo cáo lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, dự kiến được công bố vào lúc 13h30 (giờ địa phương). Dữ liệu sẽ làm rõ hơn thời điểm Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất.
Bên cạnh đó, thế giới vẫn đầy bất ổn với căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ gia tăng. Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhắm vào các tàu vận tải qua khu vực này có thể khiến lạm phát toàn cầu gia tăng trở lại. Kinh tế thế giới sẽ thêm khó khăn.
Chi phí vận tải biển tăng nhanh do các tàu chở hàng phải chuyển hướng do căng thẳng ở Biển Đỏ. Hoạt động vận tải hàng hóa toàn cầu qua Biển Đỏ đã giảm 20% trong tháng 12/2023 và có thể giảm nhiều hơn nữa vào đầu năm mới. Thống kê cho thấy, khoảng 30% lượng hàng hóa vận chuyển bằng container toàn cầu đi qua kênh đào Suez, nối Biển Đỏ với Biển Địa Trung Hải.
Những yếu tố này đang hỗ trợ cho thị trường vàng - được lựa chọn như một loại tài sản trú bão trước mọi bất ổn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường vẫn đang ghi nhận áp lực bán chốt lời đối với vàng sau khi giá tăng mạnh vào cuối năm 2023. Giá vàng hiện vẫn dao động ở trên ngưỡng 2.000 USD/ounce và cần thêm thời gian để bứt phá xa lên trên khỏi ngưỡng này.
Trong khi đó, tại nền kinh tế tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, dữ liệu do Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc (SAFE) công bố, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng 2,1% so với tháng trước lên 3,238 nghìn tỷ USD trong tháng 12, mức cao nhất trong 2 năm. Con số này cao hơn kỳ vọng 3,2 nghìn tỷ USD trong cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích của Reuters và cũng cao hơn mức dự báo 3,172 nghìn tỷ USD trong tháng 11.
SAFE cho biết, dự trữ của họ được tăng lên nhờ sự sụt giảm của chỉ USD và sự gia tăng trên diện rộng của giá tài sản tài chính toàn cầu trong tháng 12, do đó bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ và kỳ vọng của các nền kinh tế lớn.
Đồng nhân dân tệ tăng 0,52% so với đồng bạc xanh trong tháng 12, trong khi chỉ số USD giảm 2%.
Trung Quốc cũng tăng dự trữ vàng tháng thứ 14 liên tiếp trong tháng 12/2023. SAFE cho biết, Trung Quốc nắm giữ 71,87 triệu ounce vàng vào cuối tháng trước, tăng từ mức 71,58 triệu ounce vào cuối tháng 11. Giá trị dự trữ vàng của nước này cũng tăng lên 148,23 tỷ USD vào cuối tháng 12 từ mức 145,7 tỷ USD được đăng ký vào cuối tháng trước.