Tuần tới, giới phân tích thị trường vẫn dự báo giá vàng còn tiếp tục đi xuống. (Nguồn: Bloomberg) |
Cập nhật giá vàng hôm nay
Giá vàng thế giới đã giảm 2,7% trong tuần qua và giảm 6,6% trong tháng Hai, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016. Tuy nhiên, tuần tới, giới phân tích thị trường vẫn dự báo giá vàng còn tiếp tục đi xuống, trong đó xu hướng bán tháo có khả năng chưa kết thúc.
Theo kết quả khảo sát hàng tuần của Kitco News, đa số các chuyên gia và các nhà phân tích đều không lạc quan về giá vàng tuần đầu tiên của tháng 3. Giá vàng thế giới sẽ khởi động tuần mới và tháng mới từ mức giá 1.735,6 - 1.736,6 USD/ounce. Trong phiên mở cửa sáng nay, giá vàng thế giới đào chiều, bật tăng, ghi nhận lúc 10h00 giờ (giờ Việt Nam), giá vàng niêm yết trên bảng giao dịch hiện là 1.748 - 1.749 USD/ounce, tăng 12,8 USD so với phiên liền trước.
Trong khi thị trường vàng thế giới liên tục dò đáy mới, thì so với sự tụt dốc của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước chỉ giảm nhẹ và vẫn neo ở mức 55-56 triệu đồng/lượng, dù có giảm trong hầu hết các phiên giao dịch tuần qua.
Cập nhật giá vàng hôm nay 1/3, giá vàng SJC trong nước tăng, cao hơn thế giới khoảng 7,5 triệu đồng/lượng. Trong phiên mở cửa sáng nay, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,95 - 56,35 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 150.00 đồng ở chiều bán ra, so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước. Giá bán đang cao hơn giá mua 400.000 đồng/lượng. Tại Hà Nội, Công ty Bảo tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng SJC tăng 110.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 55,86 - 56,25 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng được điều chỉnh tăng nhẹ, hiện niêm yết ở 53,53 - 54,18 triệu đồng/lượng. |
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chốt mức giá vàng SJC vào cuối tuần trước (phiên đóng cửa ngày 28/2) ở mức 55,7 - 56,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng ở chiều mua vào nhưng lại giảm 150.000 đồng ở chiều bán ra, so với cuối tuần trước. Như vậy, những người mua vàng trong ngày vía Thần tài để cầu may thì sau đúng một tuần đã chịu lỗ khoảng 700.000 đồng/lượng.
Tại Hà Nội, Công ty Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC, nhích nhẹ 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và không thay đổi giá ở chiều bán ra, hiện niêm yết tại 55,75 - 56,15 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng giảm nhẹ, hiện niêm yết ở 53,46 - 54,16 triệu đồng/lượng.
Giá vàng khó có cơ hội đảo chiều?
Xu hướng của kim loại quý trong ngắn hạn được dự báo khó đảo chiều đi lên. Trước sức ép của lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, nhu cầu với kim loại quý được dự báo còn giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ neo ở gần mức cao nhất trong hơn 1 năm, trong khi chỉ số USD Index cũng tăng. Tính từ đầu năm tới nay, lợi suất trái phiếu của Mỹ đã tăng hơn 50 điểm cơ bản, theo đó làm hình tượng tài sản chống lạm phát của vàng suy yếu vì nó khiến chi phí cơ hội nắm giữ vàng tăng.
Nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada của ThinkMarkets cho rằng, lợi suất trái phiếu tăng là trở ngại chính đối với giá vàng. Ông cho rằng, giá vàng cũng chịu sức ép do giao dịch theo kỳ vọng lạm phát gần đây, khi các nhà đầu tư lựa chọn các loại tài sản khác có thể có triển vọng tốt hơn khi tình hình kinh tế cải thiện, như hàng hóa, đồng, dầu thô...
Tuần qua, một loạt yếu tố đều “không ủng hộ” vàng tăng giá. Đầu tiên có thể kể đến là áp lực trước các số liệu kinh tế khả quan hơn. Bộ Lao động Mỹ cho biết đã có 730.000 người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 20/2, tốt hơn dự đoán và cũng thấp hơn so với con số 841.000 người trong tuần trước đó.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết lượng đơn đặt hàng mới với các mặt hàng tiêu dùng lâu bền đã tăng 3,4% trong tháng Giêng, mức tăng lớn nhất trong 6 tháng. Cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nước này đã tăng 4,1% trong quý IV/2020 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự đoán là 4%.
Trong khi đó, thị trường đã phản ánh tâm lý của các nhà đầu tư, khi lượng vàng do SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, nắm giữ đã giảm 0,6% trong phiên ngày 25/2 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Bên cạnh đó, bình luận của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc ngân hàng này không quan ngại đến lợi suất trái phiếu ngày càng tăng đã làm gia tăng sức ép lên vàng. Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại rằng, lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức thấp và Fed sẽ tiếp tục mua vào trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Ông Powell cũng cho biết, chính sách tiền tệ vẫn cần phải thích ứng vì sự phục hồi của nền kinh tế không đồng đều và còn lâu mới có thể hoàn toàn khôi phục.
Những phát biểu này đã phần nào kìm hãm đà giảm của giá vàng trong tuần qua, nhưng cũng không thể cản vàng rớt xuống đáy 8 tháng và đánh dầu tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2016. Bởi lạm phát tăng cao không chỉ hỗ trợ giá vàng mà còn đẩy lợi suất trái phiếu tăng lên, do đó làm tăng chi phí cơ hội giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Theo các nhà phân tích, giá vàng có thể được kỳ vọng vào mức hỗ trợ kỹ thuật lớn tiếp theo, khi rơi xuống mức giá 1.700 USD/ounce. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng ghìm giữ đà bán tháo vàng đang có chiều hướng gia tăng.
Giám đốc khối ngoại hối toàn cầu của Bannockburn Marc Chandler cho biết, đà tăng của vàng đã thất bại trong tuần qua khi xu hướng giảm giá đã kéo dài gần 20 ngày. Nếu giá vàng không kịp tăng trở lại, nhiều khả năng mức giá còn có thế bị thị trường kéo xuống sát mốc 1.690 USD/ounce. Tuy nhiên, khi “giá vàng bắt đáy sẽ tạo điều kiện cho việc gia tăng mua tích lũy. Khi đó giá vàng sẽ có cơ hội “lội ngược dòng”, vị này nêu quan điểm.
Còn chuyên gia Razaqzada của ThinkMarkets cho rằng, triển vọng giá vàng có phần ảm đạm, nhưng chỉ cần lợi suất trái phiếu dừng tăng, giá kim loại này có thể phục hồi. Ông nói nếu số liệu kinh tế sắp tới không cho thấy một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, lợi suất có thể giảm và điều này sẽ lại hỗ trợ giá vàng.
Dịch chuyển dòng vốn tìm kiếm lợi nhuận mới?
Hiện có hai yếu tố đang tác động mạnh tới tâm lý của giới đầu tư là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử nhân loại và gói cứu trợ kinh tế khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nếu chiến dịch tiêm chủng vaccine và hy vọng phục hồi sau đại dịch trong nửa sau năm 2021 là một trong những yếu tố chính đứng sau triển vọng cải thiện của nền kinh tế và là lý do để bán ra trái phiếu. Gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất vừa được Hạ viện thông qua và được mô tả là rất cấp bách, được đặt kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế số 1 thế giới tươi sáng dần, thúc đẩy các thị trường hàng hóa sôi động trở lại.
Bao trùm tâm lý thị trường tuần này là kỳ vọng gói kích thích kinh tế này sớm được Thượng viện thông qua. Khi đó, thị trường vàng sẽ không còn được chọn làm nơi trú ẩn ít nhất là trong ngắn hạn, tạm thời sẽ là cơ hội dành cho các thị trường hàng hóa với các cơ hội làm ăn mới.
Tất nhiên, gói cứu trợ 1.900 tỷ USD sẽ thúc đẩy lạm phát gia tăng, trong khi lãi suất dài hạn trái phiếu kho bạc Mỹ vẫm đang tăng cao và gây sức ép lên các tiền tệ mới nổi, làm sức mua hàng hóa nói chung bị chùng lại. Đây là vấn đề khá mâu thuẫn, bởi vậy, nhà đầu tư cần thận trọng, cân nhắc khi dịch chuyển dòng vốn để tìm kiếm lợi nhuận trên các thị trường trong ngắn và trung hạn trong thời gian tới.