Giá vàng hôm nay 14/11, Giá vàng bứt phá ngoạn mục, mốc 1.900 USD cận kề. (Nguồn: Kitco) |
Cập nhật giá vàng hôm nay 14/11
Giá vàng trong nước tuần này nhảy vọt ấn tượng, từng bước vượt qua mốc 59 triệu/lượng, 60 triệu/lượng và đang sát mức 61 triệu đồng/lượng.
Tính riêng tuần này, giá vàng miếng SJC không ghi nhận bất kỳ phiên giảm nào, giá hiện tại đã cao hơn 2,05 triệu/lượng so với cuối tuần trước.
Giá vàng SJC cập nhật tại các đơn vị kinh doanh lớn ở thời điểm chốt phiên sáng 13/11 như sau:
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 60,15 – 60,85 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 59,9 – 60,7 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 60,2 – 60,85 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,0 – 60,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 60,2 – 60,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,12 – 53,82 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,55 – 53,75 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận của TG&VN, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco đóng cửa phiên tuần này ở mức 1.865,2 - 1.866,2 USD/ounce, tăng 3,3 USD/ounce so với phiên trước.
Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank ngày 13/11, 1 USD = 22.745 VND, giá vàng thế giới tương đương 51,76 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 9,09 triệu đồng/lượng.
Tính trong tuần này, giá vàng thế giới liên tiếp đi lên, mức tăng 48,1 USD, (2,65% giá trị).
Đà tăng mạnh tuần này cũng đưa giá vàng giao ngay lên vùng cao nhất kể từ tháng 6/2021.
Giá vàng sẽ cao nhất mọi thời đại vào năm tới?
Đúng với dự báo của các chuyên gia, diễn biến của giá vàng tuần này là phản ứng của thị trường trước tình trạng lạm phát tăng cao trên toàn thế giới.
Tại Mỹ, sau khi giảm nhẹ vào tháng 9, lạm phát tháng 10 đã tăng thêm 0,9%, cao hơn so với dự báo của các chuyên gia ban đầu là 0,6%. Điều này đã đưa tổng lạm phát 10 tháng đầu năm của nền kinh tế số một thế giới lên mức 6,2%, cao nhất trong hơn 30 năm qua.
Vàng càng có động lực để tăng giá khi các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều quyết định không tăng lãi suất sớm để kiểm soát rủi ro lạm phát.
Động thái duy nhất của Fed liên quan chính sách tiền tệ là cắt giảm 15 tỷ USD lượng mua tài sản hằng tháng từ nay kéo dài đến tháng 6/2022. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái này không đủ để kìm hãm đà tăng của lạm phát.
Theo các chuyên gia, mức giá vàng này có thể châm ngòi cho một cuộc “biểu tình” lớn hơn nữa của kim loại quý. Sau khi bứt phá vững chắc trên 1.850 USD/ounce, vàng có thể sẵn sàng cho mức tăng lớn hơn nữa.
Lạm phát tăng nhanh lên mức cao nhất trong hơn 3 thập niên ở Mỹ đã thúc đẩy các nhà đầu tư hướng tới vàng. Kim loại quý này tăng gần 3% trong tuần và giá vàng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex giao dịch ở mức 1.865,90 USD.
Frank Cholly, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures nói với Kitco News: "Tất cả là do lạm phát. Thị trường đang bắt đầu chấp nhận thực tế là lạm phát sẽ còn kéo dài. Sẽ mất nhiều năm để khắc phục các vấn đề của chuỗi cung ứng do đại dịch".
Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào phạm vi giao dịch 1.835 - 1.875 USD/ounce. Có động thái cho thấy cuộc “biểu tình” của giá vàng sẽ kết thúc trong tuần tới, trong khi cũng có động thái có thể kích hoạt giá kim loại quý hướng thẳng tới ngưỡng 2.000 USD/ ounce.
"Điều quan trọng để duy trì sự bứt phá này là thị trường có thể giữ mức 1.835 USD. Mặt khác, mức đóng cửa trên 1.875 USD sẽ châm ngòi cho một đợt tăng thứ cấp lên 1.900-1.925 USD. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy vàng cán mốc 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay”, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures nhận định.
Cholly giải thích: “Đây đơn giản là cách mua kỹ thuật. Nhà đầu tư có thể sẽ cảm thấy lo lắng vì bỏ lỡ cơ hội với vàng, điều này sẽ kích hoạt mua nhiều hơn.
Gần đây, hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là năng lượng, tăng giá rất mạnh, trong khi đó, vàng bị mắc kẹt ở xu hướng đi ngang trong 5 tháng qua. Giờ đây, vàng đang được trông đợi là hàng rào chống lạm phát hiệu quả".
Sean Lusk, đồng Giám đốc của Walsh Trading, cho biết, con đường hướng tới 1.900 USD là rất rõ ràng.
"Vàng dưới 1.800 USD được coi là một cơ hội tốt để mua vào. Chúng tôi phải xem liệu các ngân hàng có cố gắng tham gia và phòng ngừa điều này hay không, trong tháng 1 và tháng 2 năm sau", Lusk nói với Kitco News.
Ông Bart Melek, người đứng đầu chiến lược toàn cầu của TD Securities, cho biết, nhiều khả năng vàng có thể nghỉ ngơi một chút trước khi tăng cao hơn vào tuần tới. Vàng sẽ phải tăng trên 1.875 USD/ounce để cố gắng chạy ở mức cao kỷ lục từ năm 2020 là trên 2.000 USD/ounce.
"Còn khoảng hai tháng nữa trước khi Fed phải chuyển sang một câu chuyện “diều hâu” hơn. Trong thời gian chờ đợi, chúng ta có thể thấy giá vàng ở mức cao đáng kể. Vàng có thể đạt được mức cao nhất mọi thời đại vào đầu năm 2022", chuyên gia Melek nhận định.
Một khi Fed trở nên diều hâu hơn và bắt đầu tăng lãi suất, phản ứng ban đầu của giá vàng sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, về dài hạn, vàng vẫn có thể tăng giá do Fed tiếp tục thắt chặt từ từ, Melek lưu ý.
Ông nói: “Nếu lãi suất huy động của Fed tăng 25 điểm cơ bản và lạm phát đang ở mức 4,5%, thì đó vẫn là một chính sách rất phù hợp.
Hai sự kiện vĩ mô quan trọng nhất cần theo dõi vào tuần tới sẽ là báo cáo doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vào thứ Ba, ngày 16/11.
Nhà kinh tế quốc tế James Knightley của ING cho biết: "Doanh số bán lẻ tháng 10 và báo cáo sản xuất công nghiệp là điểm nổi bật của tuần tới. Cả hai dự báo đều sẽ tăng trưởng mạnh.
Doanh số bán lẻ sẽ được nâng lên nhờ mức tăng 6% so với tháng trước bởi số lượng xe mới bán ra tăng lần đầu tiên kể từ tháng 4, trong khi doanh số bán xăng cũng sẽ tăng. Sản xuất công nghiệp cũng sẽ tăng trưởng tốt dựa trên báo cáo ISM đã được công bố".