📞

Giá vàng hôm nay 14/12: Giá vàng nhảy vọt, USD xuống thấp nhất, cú hích CPI còn đẩy giá lên, Mỹ tiếp tục nhắm vào kho vàng Nga

Minh Anh 06:06 | 14/12/2022
Giá vàng hôm nay 14/12 được đẩy tăng mạnh mẽ nhờ tin tức mới nhất cho thấy, lạm phát đang hạ nhiệt và thị trường có thể sẽ được chứng kiến Fed giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023.

BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 15/12 TỶ GIÁ HÔM NAY 15/12


Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/12

Giá vàng thế giới vọt qua ngưỡng 1.800 USD một cách nhẹ nhàng khi số liệu mới nhất rất được mong đợi, do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,1% trong tháng 11, sau khi đã tăng tới 0,4% trong tháng 10. Dữ liệu thấp hơn đáng kể so với dự đoán ở mức 0,3% của các nhà kinh tế.

Báo cáo cho thấy, lạm phát hàng năm đã tăng 7,1% trong tháng trước. Thấp hơn với mức tăng 7,3% do các nhà kinh tế dự báo. "Đây là mức tăng thấp nhất trong 12 tháng qua, kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 12 năm 2021”, Báo cáo nhận xét.

Thị trường kim loại quý đã nhanh chóng vọt lên trên ngưỡng 1.800/ounce sau khi Báo cáo được công bố. Và tiếp tục tăng mạnh trong những phiên giao dịch tiếp theo. Giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện là 1.824,90 USD/ounce, tăng 42,1 USD/ounce (2,36%) so với phiên liền trước, ghi nhận của TG&VN, vào 22g00 ngày 13/12 (giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn tháng 2 được giao dịch lần cuối ở mức 1.814,10 USD/ounce, tăng hơn 1% trong ngày.

Nếu loại bỏ giá năng lượng và lương thực, Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, CPI cơ bản tăng 0,2%, so với mức tăng 0,3% của tháng 10, trong khi giới phân tích dự báo mức tăng 0,3%. Trong năm, lạm phát cơ bản tăng 6,0%.

Vàng đang được hưởng lợi khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm do phản ứng với dữ liệu lạm phát. Dữ liệu lạm phát mới nhất sẽ là yếu tố chính trong việc định hình các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà kinh tế lưu ý, việc giảm giá tiêu dùng khiến Fed có khả năng làm chậm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023.

Fed dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào hôm nay (ngày 14/12), khi kết thúc cuộc họp Ủy ban thị trường Mở (FOMC) cuối cùng trong năm. Nhưng nhiều nhà phân tích và nhà kinh tế đang theo dõi xem Ngân hàng trung ương dự đoán lãi suất đạt đỉnh vào năm 2023 ở đâu. Nhiều nhà phân tích lưu ý rằng, môi trường kinh tế hiện tại là tích cực đối với vàng. Lạm phát dù vẫn ở mức cao, sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mức trước Covid-19 trong tương lai gần, khi Fed nới lỏng lập trường tăng lãi suất mạnh mẽ.

Theo công cụ FedWatch của CME, có 74,7% xác suất Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và 25,3% xác suất tăng lãi suất 75 điểm cơ bản.

Fed sẽ đưa ra tuyên bố chính sách vào lúc 14h00 chiều (giờ Mỹ), sau đó là cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell lúc 19:30. Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ nhóm họp trong tuần này và mỗi bên dự kiến sẽ đưa ra mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản.

Giá vàng hôm nay 14/12: Giá vàng tăng vọt, USD xuống thấp nhất, cú hích CPI còn đẩy giá lên, Mỹ tiếp tục nhắm vào kho vàng Nga. (Nguồn: Kitco)

Vàng miếng SJC những ngày cuối năm giao dịch cầm chừng. Giá giảm khá mạnh vào cuối phiên 13/12 và chính thức rời mốc 67 triệu đồng/lượng ở chiều bán, nhưng vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức cũng theo chân "bước xuống".

Tuy nhiên, giá vàng trong nước thường biến động theo xu hướng giá thế giới, vì thế giá vàng SJC có thể tăng trong phiên sáng 14/12.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 13/12:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,10 – 66,92 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,10 – 66,90 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,10 – 66,90 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,10 – 66,90 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại hệ thống Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,11 – 66,89 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,89 – 53,74 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,50 – 53,60 triệu đồng/lượng.

Mỹ nhắm vào kho vàng dự trữ của Nga

Mỹ tiếp tục nhắm mục tiêu vào trữ lượng vàng khổng lồ của Nga trong nỗ lực trừng phạt nước này vì chiến dịch quân sự kéo dài gần một năm tại Ukraine.

Hạ viện Mỹ vừa thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm, sẽ thúc đẩy chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục 858 tỷ USD vào năm tới. Tuy nhiên, Dự luật chi tiêu cũng bao gồm một sửa đổi khiến Nga gặp khó khăn trong việc sử dụng kho vàng khổng lồ của mình.

Dự luật được đề xuất sẽ trực tiếp trừng phạt bất kỳ thực thể nào của Mỹ giao dịch hoặc vận chuyển vàng từ dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga.

Theo một Thượng nghị sĩ Mỹ, nguồn dự trữ vàng khổng lồ của Nga là số tài sản còn lại mà Tổng thống Putin có thể khai thác để cung cấp cho các kế hoạch của mình. Bằng cách chặn nguồn dự trữ này, thắt chặt nguồn tài chính, Mỹ có thể cô lập Nga hơn nữa khỏi nền kinh tế thế giới và làm tăng sự khó khăn đối với mọi quyết định của Tổng thống Putin.

Ngân hàng Trung ương Nga có trữ lượng vàng lớn thứ năm trên thế giới với 2.298,50 tấn, hiện trị giá 133,6 tỷ USD.

Vàng của Nga là một trong những mục tiêu bị trừng phạt của phương Tây trong năm 2022. Vào tháng 3, ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London đã đình chỉ 6 nhà máy luyện vàng bạc của Nga khỏi danh sách Giao hàng Tốt, khiến Nga bị loại khỏi thị trường kim loại quý ở London. Vào tháng 6, các nhà lãnh đạo của 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) đã cấm nhập khẩu vàng Nga.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có tác động không đáng kể đến thị trường vàng. Nga vẫn có thể bán vàng của mình cho Trung Quốc và các quốc gia Trung Đông.

(theo Kitco News, CNN)