📞

Giá vàng hôm nay 1/4/2024: Giá vàng liên tiếp lập các kỷ lục, vàng miếng SJC 'sắp hết thời', diễn biến tiếp theo của thế giới?

Minh Anh 06:06 | 01/04/2024
Giá vàng hôm nay 1/4/2024: Giá vàng trong nước và thế giới liên tiếp lập các kỷ lục mọi thời đại trong tháng Ba vừa qua. Thị trường trong nước đã có những diễn biến mới đáng quan tâm trong giai đoạn chờ đợi giải pháp kiểm soát thị trường cụ thể từ cơ quan chức năng đối với độc quyền vàng miếng SJC.

BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 1/4TỶ GIÁ HÔM NAY 1/4


Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 1/4/2024

Giá vàng trong nước dao động không quá mạnh và neo vững ở mức cao.

Tuần qua, giá vàng miếng SJC vẫn neo quanh vùng 81 triệu đồng, dù giá thế giới tăng mạnh. Với biên độ dao động khoảng từ 300.000 - 700.000 đồng/lượng, có lúc giá tăng lên trên 81 triệu đồng, sau lại hạ về trong khoảng 79 - 81 triệu đồng trong phiên chốt tuần.

Như vậy, rời đỉnh cao lịch sử 82,5 triệu đồng/lượng vào ngày 12/3, giá vàng miếng SJC có dấu hiệu tạm hạ nhiệt. Đặc biệt, khi các tín hiệu điều chỉnh thị trường của chính phủ và cơ quan chức năng có động thái kiểm soát thị trường ngày càng rõ nét hơn. Những ngày vừa qua, Chính phủ dồn dập yêu cầu NHNN đưa ra các giải pháp để ổn định thị trường vàng, xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế.

Thông tin mới nhất là t6ại cuộc họp toàn thể của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chiều 28/3,Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu rà soát pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững trước đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Tổng hợp giá vàng miếng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (30/3):

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết tại 78,70 – 81,02 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết tại: 78,80 – 80,80 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 78,80 – 80,80 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý niêm yết tại 78,80 – 80,80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 78,85 – 80,75 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn, giá vàng trang sức tăng vọt, bất chấp diễn biến mới của vàng miếng SJC.

Giá vàng nhẫn lập đỉnh 71 triệu đồng - mức giá cao nhất từ trước đến nay, trong khi vàng miếng SJC lặng sóng, vào phiên giao dịch ngày 29/3. Giao dịch vàng nhẫn trở nên sôi động hơn từ sau Tết Nguyên đán và càng tăng mạnh hơn từ sau khi có các thông tin liên quan việc thay đổi chính sách của Chính phủ về độc quyền sản xuất và độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Kết quả là, trong bối cảnh thị trường chờ đợi giải pháp cụ thể, giá vàng nhẫn đã bỏ xa đà tăng của giá vàng miếng SJC.

Chốt tuần qua, niêm yết tại các cơ sở kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội), vàng nhẫn thương hiệu Vàng rồng Thăng Long ở mức 69,73 - 70,93 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng trang sức 9999 thương hiệu Vàng rồng Thăng Long giao dịch tại 69,15 - 70,65 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra giữ vững trong khoảng 1,5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng rất mạnh.

Ghi nhận của TG&VN tại phiên đóng cửa tuần qua (28/3), giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco ở mức 2.233,00 - 2.234,00 USD/ounce, có lúc tăng gần 40 USD.

Giá vàng thế giới đã ghi nhận 1 tháng với nhiều mốc quan trọng trong lịch sử kim loại quý. Kết thúc tháng 3/2024, tăng 9% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2020 và tăng 8% theo quý. Trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 3, giá vàng đã tăng lên mức cao mới mọi thời đại là 2.256,9 USD/ounce và chốt phiên ở mức 2.233 USD/ounce.

Quy đổi theo tỷ giá USD của ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương 67,2 triệu đồng một lượng, thấp hơn 3,3-4 triệu so với vàng nhẫn trong nước; chênh lệch với giá vàng miếng SJC thu hẹp dần, còn chưa tới 14 triệu đồng một lượng.

Giá vàng hôm nay 1/4/2024: Giá vàng liên tiếp lập các kỷ lục, vàng miếng SJC 'sắp hết thời', diễn biến tiếp theo của thế giới? (Nguồn: Getty Images)

Dự báo giá vàng thế nào?

Ngày 29/3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng (CPI) cá nhân cốt lõi của họ đã tăng 0,3% trong tháng trước. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng của các nhà kinh tế đưa ra trước đó. Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận mức điều chỉnh tăng trong tháng 1, với lạm phát lõi tăng 0,5% - một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát sẽ không giảm.

Đáng chú ý, nghiên cứu của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy, nếu lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi được coi là "hàng rào" chống lạm phát và có mức tăng trưởng vượt trội hơn các loại tài sản tài chính khác.

Các chuyên gia dự báo, giá vàng có thể còn tăng hơn nữa nếu thị trường kỳ vọng chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed sâu hơn. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Bên cạnh đó, vàng thường được coi là nơi "trú ẩn an toàn" trong thời điểm căng thẳng địa chính trị với các cuộc xung đột quân sự tiếp tục leo thang. Cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới, kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng,… cũng tác động tích cực tới giá vàng.

Giá vàng cũng tiếp tục được hỗ trợ từ nhu cầu vật chất tăng cao từ Trung Quốc, bất chấp mức giá tăng kỷ lục của vàng không làm giảm nhu cầu mua vào của người dân. Trong bối cảnh nhà đầu tư tìm đến vàng như kênh trú ẩn an toàn, ngân hàng trung ương các nước bắt đầu lộ trình giảm lãi suất, trong đó Mỹ có thể có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Đánh giá triển vọng, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities Bart Melek, nhận định giá vàng có thể dễ dàng chạm mức 2.300 USD/ounce hoặc cao hơn trong quý II/2024.

Citi Group dự báo, giá vàng có khả năng leo lên ngưỡng 3.000 USD/ounce trong 12-16 tháng tới.

Nhưng một ý kiến trái chiều lưu ý rằng, USD đang mất dần sức ảnh hưởng trên thị trường vàng khi nợ chính phủ Mỹ tiếp tục tăng cao. Adam Button, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Forexlive, cho biết vàng có thể tăng giá trong tương lai. Tuy nhiên, ông cho rằng, nhà đầu tư nên chờ đợi một đợt giảm giá mới.

Trong khi đó, giá vàng trong nước liên tiếp tăng kể từ đầu năm 2024 tới nay trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm xuống thấp, đầu tư vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, sinh lời cao. Nhiều người dân tất toán tiền tiết kiệm, chuyển sang nắm giữ vàng.

Các chuyên gia trong nước cho rằng, giá vàng tăng liên tục gây hệ luỵ đến nền kinh tế, tạo vòng luẩn quẩn: nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, với mục tiêu đa dạng danh mục sinh lợi nhuận, khiến nền kinh tế khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất; lượng tiền lớn không được đưa vào sản xuất kinh doanh khiến chính sách phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn, thị trường lại chú ý đến tài sản an toàn như vàng.

(theo Kitco News)