📞

Giá vàng hôm nay 14/4/2023: Giá vàng tăng mạnh phiên thứ ba liên tiếp, vượt xa đỉnh 2.000 USD, Fed dự báo kinh tế Mỹ suy thoái ngay năm nay

Minh Anh 06:06 | 14/04/2023
Giá vàng hôm nay 14/4/2023 tăng vọt, vượt xa ngưỡng 2.000 USD/ounce. Những lo ngại về suy thoái đang hỗ trợ vàng - vốn được xem là kênh đầu tư an toàn trong thời điểm đặc biệt này, khi các chuyên gia của Fed dự báo khủng hoảng ngân hàng có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới suy thoái. Giá vàng 9999 tăng cả triệu đồng sau 1 tuần.

BẢNG CẬP NHẬT TRỰC TIẾP GIÁ VÀNG HÔM NAY 14/4TỶ GIÁ HÔM NAY 14/4


Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/4/2023

Giá vàng thế giới đã tăng tăng hơn 1% trong phiên 12/4, tăng hơn 0,5% trong phiên 13/4 và còn tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 14/4. Có nhiều đồn đoán về việc chu kỳ tăng lãi suất của Fed có thể sắp kết thúc nhờ số liệu CPI gần đây, cùng với lợi suất trái phiếu giảm và đồng USD yếu đang hỗ trợ cho giá vàng.

Ghi nhận của TG&VN vào lúc 21h00 ngày 13/4 (giờ Việt Nam), giá vàng tăng vọt 30,3 USD (1,5%) so với phiên liền trước, giao dịch trên sàn Kitco tại 2.045,0 - 2.046,0 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 được giao dịch lần cuối ở mức 2.031 USD/ounce, tăng 0,51% trong ngày.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 3/2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa được công bố cung cấp ít thông tin chi tiết về quyết định của kỳ họp tháng tới. Trong khi một số nhà hoạch định chính sách cân nhắc dừng tăng lãi suất sau một dự báo cho thấy sức ép khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Trong khi bất chấp rủi ro kinh tế ngày càng tăng, ngân hàng trung ương cũng lưu ý rằng, lạm phát vẫn liên tục cao hơn.

Vàng có xu hướng tăng giá trong thời kỳ bất ổn về kinh tế hoặc tài chính, trong khi lãi suất thấp hơn cũng làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý vì nó vốn không sinh lãi suất.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích độc lập Ross Norman cho biết, mặc dù các nhà giao dịch lo ngại về suy thoái kinh tế và khủng hoảng ngân hàng kéo dài, vàng có thể vẫn được mua vào mạnh, nhưng xu hướng chốt lãi ở mức cao cũng có khả năng xuất hiện nhiều hơn.

Công cụ CME FedWatch cho thấy, thị trường đang đặt cược có 66% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong tháng 5/2023, cùng với việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay.

Giá vàng hôm nay 14/4/2023: Giá vàng tăng phiên thứ ba liên tiếp, Fed dự báo kinh tế Mỹ suy thoái ngay năm nay. (Nguồn: Kitco)

Giá vàng SJCtrong nước không biến động vào đầu phiên 13/4, nhưng bắt đầu tăng mạnh từ 50.000 đến 100.000 đồng/lượng vào cuối phiên. Tuy nhiên, nếu thị trường vàng SJC tương đối trầm lắng quanh vùng 67 triệu đồng/lượng, riêng giá vàng trang sức, vàng nhẫn vẫn có sự biến động tăng giá đều đặn trong nhiều ngày qua.

Tính chung giá vàng 9999 đã tăng gần 1 triệu đồng chỉ sau 1 tuần, xấp xỉ 800.000-900.000 đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giá vàng nhẫn tiếp tục duy trì ở mức cao 1 triệu đồng/lượng.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 13/4:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,50 – 67,12 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 66,45 – 67,00 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 66,50 – 67,10 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,55 – 67,15 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 66,52 – 67,08 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,72 – 56,72 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 55,40– 56,50 triệu đồng/lượng.

Kinh tế Mỹ suy thoái ngay năm nay?

Từ tháng 11/2022, các chuyên gia hàng đầu của Fed đã liên tục dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và nền kinh tế số 1 thế giới sẽ yếu đi. Theo biên bản cuộc họp chính sách tháng Ba vừa công bố, các quan chức Fed lo ngại, khủng hoảng ngân hàng sẽ làm tăng rủi ro suy thoái cho nền kinh tế. "Dự báo một cuộc suy thoái nhẹ có thể bắt đầu trong năm nay", Báo cáo có đoạn viết.

"Điểm chính trong biên bản ghi nhớ của cơ quan này là dự báo suy thoái cuối năm nay. Khả năng hạ cánh mềm sẽ sớm biến mất", Nancy Davis – nhà sáng lập Quadratic Capital Management cảnh báo. Đây là lần đầu tiên trong chu kỳ nâng lãi hiện tại, Fed dự báo suy thoái.

Tháng trước, quan chức Fed thống nhất chỉ nâng lãi ở mức 25 điểm cơ bản (0,25%) do biến động trong ngành ngân hàng làm dấy lên nỗi lo các nhà băng bị rút tiền. Biên bản này cũng cho thấy sự thiếu chắc chắn với quyết định trên. Do nó được đưa ra chỉ vài ngày sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng lớn là Silincon Valley Bank và Signature Bank.

Cũng theo các nhà hoạch định chính sách, động thái của Fed và các cơ quan chính phủ khác tại Mỹ đã giảm thiểu được rủi ro lan truyền, bảo vệ hệ thống tài chính Mỹ, dập tắt các lo ngại và bình ổn tình hình trong ngành. Vì thế, họ cho rằng quyết định phù hợp là vẫn nâng lãi với mức thấp, thay vì dừng hẳn.

Biên bản nhận định diễn biến trong ngành ngân hàng cũng có tác động như nâng lãi suất. Do nó siết dòng vốn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, từ đó gây sức ép lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát.

Quan chức Fed đều đồng ý rằng, mức độ tác động của những diễn biến này hiện còn chưa rõ ràng, trong bối cảnh họ phải cân bằng giữa kiềm chế lạm phát, ổn định tài chính và xoa dịu các cú sốc kinh tế.

Lãi suất tham chiếu của Fed hiện cao nhất kể từ năm 2007. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu công bố ngày 12/4 của Bộ Thống kê lao động Mỹ. Đây là tháng thứ 9 liên tiếp số liệu này hạ nhiệt.

(theo Kitco, CNN)