📞

Giá vàng hôm nay 17/4: Vàng hướng đỉnh 1.800 USD, khả năng lạm phát phi mã gần như chắc chắn

Minh Anh 06:05 | 17/04/2021
Giá vàng thế giới đạt đỉnh của hơn một tháng trong phiên chốt cuối tuần này, khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm bất chấp các số liệu kinh tế tốt hơn dự kiến. Diễn biến đó đã thúc đẩy các nhà đầu tư mua vàng như một nơi “trú ẩn an toàn” để đề phòng khả năng lạm phát leo thang trong thời gian tới.
Giá vàng hôm nay tiếp tục được hỗ trợ mạnh bởi lợi suất trái phiếu Mỹ và biến động của USD. (Nguồn: Kitco)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 17/4

Chốt phiên giao dịch tuần này (ngày 16/4), giá vàng SJC biến động trái chiều tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh trên toàn quốc. Trong khi Công ty VBĐQ Sài Gòn điều chỉnh giảm thì toàn bộ hệ thống Bảo tín Minh Châu lại đẩy giá tăng khá mạnh. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC trong cả nước đã duy trì vùng đỉnh ba tuần, trên ngưỡng 55 triệu đồng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, giá vàng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn giảm 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên mở cửa buổi sáng, chốt phiên tại 55,08 - 55,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong khi đó, tại Hà Nội, hệ thống Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng giá vàng SJC 70.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên mở cửa buổi sáng, niêm yết tại 55,15 - 55,45 triệu đồng/lượng. Bám đà tăng của thị trường, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh tăng mạnh lên 52,03 - 52,63 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tăng tại 51,40 - 52,50 triệu đồng/lượng.

Cập nhật giá vàng hôm nay 17/4, vàng SJC tiếp tục xu hướng tăng theo đà tăng của thế giới .

Ghi nhận vào phiên mở cửa sáng nay, tại TP. Hồ Chí Minh, giá vàng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết tại 55.15 - 55.58 triệu đồng/lượng, tăng 70.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và tăng 130.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại Hà Nội, hệ thống Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC tại 55,13 - 55,54 triệu đồng/lượng, điều chỉnh giảm nhẹ 20.000 đồng ở chiều mua vào, nhưng tăng 90.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên đóng cửa hôm qua. Bám đà tăng của thị trường, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh tăng mạnh lên 52,16 - 52,76 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,40 - 52,50 triệu đồng/lượng.

Thị trường kim loại quý thế giới những phiên gần đây đã có biến động mạnh, có lúc tăng hơn 30 USD và đã chính thức vượt qua ngưỡng 1.775 USD USD/ounce vào phiên giao dịch cuối cùng của tuần này. Như vậy, thị trường thế giới đã neo gần mức cao kể từ cuối tháng 2 và ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp do USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh, bất chấp số liệu kinh tế lạc quan hơn dự báo.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, ngày 16/4, giá vàng giao ngay trên sàn giao dịch Kitco lên 1.776,5 - 1.776,5 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 giao dịch lần cuối ở mức 1.780 USD/ounce. Đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp, quy đổi theo tỷ giá ngân hàng, chênh lệch mỗi lượng vàng trong nước chỉ còn cao hơn thế giới 5,85 triệu đồng.

Giá vàng đang được hỗ trợ mạnh

Phiên chốt tuần này, vàng đã có lúc mất đà tăng trong thời gian ngắn sau khi báo cáo mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ phục hồi tốt hơn mong đợi trong tháng 3/2021, còn số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020.

Tuy nhiên, việc USD có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tuần, trong đà ghi nhận tuần giảm tệ nhất năm. Trong khi, không chỉ đi xuống vào cùng phiên với USD, đà giảm của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đã giảm xuống thấp nhất trong 1 tháng, thậm chí đà giảm chính thức phá vỡ ngưỡng quan trọng 1,6%. "Điều đó nghĩa là lợi suất sẽ tiếp tục giảm, ít nhất là trong ngắn hạn, làm giảm chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng, theo đó hỗ trợ giá vàng", chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFX nhận định.

Trong khi đó, dữ liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ kỷ lục trong quý I/2021, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo kinh tế gần đây từ Mỹ và Trung Quốc đã dấy lên hy vọng về sự phục hồi kinh tế nhanh chóng hơn và thúc đẩy giới đầu tư tìm kiếm tài sản rủi ro.

Còn chuyên gia Jeffrey Sica, người sáng lập tổ chức tư vấn Circle Squared Alternative Investments lại nhìn nền kinh tế theo một cách khác, theo ông khả năng lạm phát leo thang phi mã gần như chắc chắn sẽ thành hiện thực. Khi đó, vàng sẽ là tài sản tốt nhất để sở hữu khi thị trường bắt đầu nhận được mức lạm phát có thể cao lịch sử.

Về tương lai của giá vàng trong đợt biến động giá lần này, nhiều nhà phân tích đang để mắt đến mục tiêu 1.800 USD/ounce. Chuyên gia kỳ cựu Darin Newsom, Chủ tịch của Darin Newsom Analysis còn đưa ra dự báo, giá vàng có thể tăng tới 1.822 USD/ounce. Theo chuyên gia này, “sau khi bứt phá, việc giá vàng có thể giảm xuống 1.765 USD sẽ không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng vàng hiện đang biến động như thể nó muốn tăng cao hơn.

Kỷ nguyên tiền tệ dễ dãi

Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trong "Kỷ nguyên tiền tệ dễ dãi" với 3 đặc thù lãi suất thấp, tiền bơm ào ạt và vòng vốn quay chậm. Đây là một xu thế hàng chục năm qua và sẽ tiếp tục kéo dài chứ không chỉ ngắn hạn. Khủng hoảng 2008 và Covid-19 chỉ làm nó diễn ra mạnh mẽ hơn. Đây là một "bình thường mới".

Công cụ chính sách tiền tệ còn được lạm dụng nhiều. Chúng ta đang và sẽ còn sống trong kỷ nguyên tiền tệ dễ dãi. Kỷ nguyên này chắc còn dài nhiều năm nữa. Nhưng trong sâu thẳm hệ thống, rủi ro đang dần lớn lên, các cơn "sấm đầu mùa" kiểu như khủng hoảng Repo 2019 bắt đầu đây đó. Dù thị trường có vẻ như sẽ vượt qua được Covid-19 và đó là điều tuyệt vời thể hiện sự bên vững của kinh tế toàn cầu. Nhưng thử thách lớn hơn sẽ đến, đó là câu hỏi lớn: "hạ nhiệt tiền tệ sẽ phải diễn ra thế nào?".

(theo Kitco, Reuters)